BVR&MT – Như thông lệ, ngay trong ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) TRẦN QUỐC PHƯƠNG về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, năm 2021, Chính phủ quyết tâm phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao. Là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, đồng chí đánh giá thế nào về mục tiêu nêu trên?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 đặt ra 12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với dự báo năm 2021 tình hình trong nước và thế giới còn diễn biến rất bất định, khó lường do tác động của đại dịch Covid-19. Vấn đề lớn nhất hiện nay là một số quốc gia dù tuyên bố đã sản xuất được vắc-xin nhưng chưa thể khẳng định về hiệu quả phòng ngừa trên thực tế và mức độ bao phủ do giá vắc-xin còn khá đắt đối với các quốc gia đang phát triển. Câu hỏi đặt ra là, vậy đã đủ điều kiện để các quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các điều kiện hạn chế đi lại hay chưa. Cho nên phải nhận thức rõ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 là khá thách thức. Tuy nhiên, trong thách thức vẫn có các cơ hội tốt nếu chúng ta biết tận dụng và biến thành động lực. Doanh nghiệp có thể chớp được cơ hội nếu có sự nhạy bén và linh hoạt. Song với một nền kinh tế, để tận dụng được cơ hội phải có hoạch định chính sách. Nếu tình thế đảo chiều nhanh quá thì rất khó cho bất cứ quốc gia nào trong việc điều chỉnh và duy trì được thời gian hiệu lực của chính sách trong điều kiện rất bất định như hiện nay.
Trên nền tảng và kết quả mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong năm 2020, với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm và mục tiêu này đã được Chính phủ cân nhắc và tính toán hết sức kỹ lưỡng.
PV: Năm 2020, đầu tư công đã trở thành động lực dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GDP 2,91%. Theo đồng chí, cần có giải pháp gì để động lực tăng trưởng này tiếp tục phát huy trong năm nay?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/12/2020 là gần 390 nghìn tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có thể nói, đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016 – 2020. Ðạt được kết quả đó, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị giao ban trực tuyến và thành lập các đoàn công tác đôn đốc triển khai công tác đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn. Một nguyên nhân khác là từ năm 2021, Luật Ðầu tư công 2019 (Luật số 39/2019/QH14) chính thức có hiệu lực, trong đó có rất nhiều điểm mới, buộc các bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Vì thế, nhiều dự án thúc đẩy giải ngân trong năm 2020 cho nên cũng góp phần làm cho tỷ lệ giải ngân năm 2020 cao… Nhưng giải ngân đầu tư công không phải là động lực duy nhất của tăng trưởng kinh tế, dù kết quả giải ngân tốt nhất nhiều năm gần đây. Công thức tính GDP có ba yếu tố gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, trong đó, đầu tư công chiếm khoảng 6% – 7% GDP. Tất nhiên, con số này mới là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP.
Từ năm 2021, khi Luật số 39/2019/QH14 có hiệu lực sẽ cơ bản khắc phục tình trạng “con gà và quả trứng” trong đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Theo đó, luật yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải xác định nguồn vốn trước khi lập dự án, thay vì quy trình từ chuẩn bị dự án – thẩm định – phê duyệt nhưng muốn phê duyệt dự án lại đòi hỏi phải có vốn, như một vòng luẩn quẩn mãi không thể xử lý. Hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết số vốn được giao sẽ bị trừ khối lượng tương ứng của kế hoạch vốn năm tiếp theo. Ðây có thể được coi là chế tài trong hoạt động đầu tư công. Những thay đổi này sẽ làm cho người lập kế hoạch đầu tư đúng hơn, sát hơn, góp phần nâng cao hiệu quả giải ngân.
PV: Dự báo kinh tế thế giới còn bất định và chưa thể phục hồi do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2021 có ba điểm thuận lợi. Ðó là sản xuất, kinh doanh có đà phục hồi rõ nét với ngành công nghiệp tăng trưởng trở lại ở mức hai con số. Sản xuất nông nghiệp ổn định với đặc thù sản lượng và diện tích giảm nhưng giá trị lại tăng cao cho thấy xu hướng cơ cấu lại nền nông nghiệp đang đi đúng hướng. Khu vực dịch vụ có khả năng tăng trưởng tốt hơn nhờ dịch vụ số và dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) phát triển mạnh. Bên cạnh đó, xuất khẩu có thêm kỳ vọng vào FTA mới với Anh vừa ký ngày 29/11/2020 bên cạnh EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác. Tất nhiên, vẫn phải lưu ý tới các yếu tố kìm hãm tăng trưởng, đó là: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, căng thẳng thương mại, biến đổi khí hậu… Bộ KH và ÐT sẽ cố gắng làm tốt công tác thống kê, dự báo, để tham mưu với Chính phủ có những động thái hành động, những chính sách kịp thời, sát nhất, tùy bối cảnh bên ngoài và năng lực nội tại của đất nước.
PV: Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã đánh giá đúng tình hình và kịp thời có các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, tạo niềm tin rất lớn để DN vững tâm vượt khó. Từ đó duy trì được hoạt động xuất khẩu và cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước. Các gói hỗ trợ có được tiếp tục thực hiện và mở rộng quy mô trong năm 2021 không, thưa đồng chí?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH và ÐT phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021. Trong báo cáo đánh giá, Bộ KH và ÐT cũng dự báo, tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta không chỉ năm 2021 mà còn kéo dài thêm một số năm sau đó. Vì vậy, các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của năm 2021. Việc này đòi hỏi công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ mới đề ra được giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp mà chúng ta đề ra. Trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế, Bộ KH và ÐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.