BVR&MT – Những ngày gần đây, dư luận xôn xao chung quanh việc quận Hoàn Kiếm là đơn vị cấp quận duy nhất của Thủ đô thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025. Lý do chính là theo rà soát, quận Hoàn Kiếm không đạt tiêu chí về diện tích tối thiểu là 35km2, trong khi quận chỉ có diện tích tự nhiên 5,29km2. Tuy nhiên, liệu có sáp nhập Hoàn Kiếm vì lý do không đủ diện tích hay không là điều dư luận băn khoăn. Bởi quận Hoàn Kiếm có vị trí đặc biệt về lịch sử, văn hóa, xã hội, là trái tim của Thủ đô Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm chính thức được thành lập từ năm 1981, nhưng cái tên Hoàn Kiếm đã có lịch sử lâu dài, cách đây hàng trăm năm, gắn bó, thân thuộc với mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước.
Trái tim văn hóa của Hà Nội
Nếu Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, thì với người dân Hà Nội, Hoàn Kiếm chính là trái tim văn hóa của Thủ đô. Địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay được phân khá rõ thành ba khu vực: Khu phố cổ, khu phố cũ (do người Pháp quy hoạch, xây dựng, chủ yếu từ nửa đầu thế kỷ 20) và một số phường ngoài đê sông Hồng.
Phố cổ ra đời cùng với việc nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nằm ở phía đông của Hoàng thành Thăng Long. Người dân từ các làng nghề ở vùng đồng bằng Bắc Bộ kéo nhau lên kinh đô lập nghiệp, lập ra các con phố chuyên sản xuất, buôn bán một số mặt hàng nhất định, tạo nên những con phố có tên bắt đầu bằng chữ “Hàng”, thí dụ như: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Đường…
Nhiều con phố hiện vẫn có đền, đình thờ Tổ nghề như một minh chứng cho quá trình ra đời, phát triển. Đây chính là một trong những nét đặc sắc nhất của văn hóa Hà Nội. Lối sống của người dân nơi đây chịu sự lan tỏa của văn hóa cung đình, văn hóa bác học. Từ đó hình thành nên nét đẹp văn hóa người Hà Nội, gồm cả sự khéo léo tay nghề, sự tinh tế trong lời ăn tiếng nói hay các thú chơi văn hóa… như dân gian ca ngợi: “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất sắc kinh kỳ Tràng An”. Mặc dù chỉ rộng khoảng 100 ha, nhưng khu vực phố cổ lại tiêu biểu cho đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Hoàn Kiếm đạt bốn tiêu chí về quy mô dân số (từ 150 nghìn người trở lên), số đơn vị hành chính trực thuộc (từ 12 đơn vị trở lên) và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội; cơ sở hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, về tiêu chí diện tích, thì quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 5,29km2 cách rất xa so với tiêu chí đặt ra là rộng từ 35km2 trở lên.
Đơn vị hành chính quận Hoàn Kiếm ra đời chưa lâu, từ năm 1981, nhưng danh xưng Hoàn Kiếm đã có lịch sử lâu dài. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, một chuyên gia văn hóa Hà Nội, mặc dù liên quan đến truyền thuyết Lê Thái Tổ trả gươm (thế kỷ 15), nhưng tên gọi hồ Hoàn Kiếm chỉ chính thức xuất hiện trong cuốn sử triều Nguyễn là Đại Nam nhất thống chí. Từ đó, tên gọi Hoàn Kiếm bắt đầu được sử dụng trong thiết lập các đơn vị hành chính.
Năm 1958, khi Hà Nội thành lập 12 khu phố, trong đó có khu phố Hoàn Kiếm. Năm 1961, Quốc hội (khóa II) ra Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì Hoàn Kiếm là một trong bốn khu phố của nội thành.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030: Hiện nay, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 17 huyện, 12 quận, một thị xã và 579 đơn vị hành chính cấp xã. Qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, thành phố có một đơn vị hành chính cấp huyện là quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Thông tin này lập tức làm “nóng” dư luận. Bởi ngày 25/6/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại hành chính. Trong đó, Điều 7, Mục II ghi rõ về tiêu chuẩn của quận gồm năm tiêu chí.
Hoàn Kiếm đạt bốn tiêu chí về quy mô dân số (từ 150 nghìn người trở lên), số đơn vị hành chính trực thuộc (từ 12 đơn vị trở lên) và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội; cơ sở hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, về tiêu chí diện tích, thì quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 5,29km2 cách rất xa so với tiêu chí đặt ra là rộng từ 35km2 trở lên.
Ưu tiên quản lý tốt đô thị
Việc quận Hoàn Kiếm có thể bị sáp nhập, thậm chí “mất tên” khiến dư luận xôn xao. Từ trong gia đình, cho đến những quán xá hay trong các công sở, người dân đều bàn tán về việc có nên sáp nhập, mở rộng quận Hoàn Kiếm hay không; những hay, dở nếu việc sáp nhập xảy ra…
Chị Dương Bảo Ngân ở phố Tô Tịch (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Gia đình tôi vốn nhiều đời sinh sống ở khu phố cổ. Lâu nay, bên cạnh khái niệm “người Hà Nội”, người dân còn có khái niệm “người Hoàn Kiếm” bởi người dân kế thừa những nét đẹp văn hóa của người dân phố cổ khi xưa, đồng thời, có những giá trị mới riêng biệt.
Phần đông người dân sống bằng các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, cho nên tự biết cách điều chỉnh hành vi, lời ăn, tiếng nói. Về sinh hoạt, người Hoàn Kiếm được thụ hưởng những giá trị văn hóa của vùng lõi đô thị. Do đó, việc sáp nhập hay mở rộng, tôi lo ngại sẽ gây ra những thay đổi không mong muốn về yếu tố văn hóa”.
Mặc dù chỉ là một đơn vị hành chính cấp huyện, về lý, quận Hoàn Kiếm cũng cần được quản lý, điều hành tương đương với bất kỳ một quận, huyện nào khác. Song, do tính đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân cư, cho nên thông tin quận Hoàn Kiếm có thuộc diện phải “sắp xếp” và có thể bị sáp nhập được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp ở phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trong quá trình phát triển của đô thị, có thể xảy ra việc sáp nhập hay mở rộng địa giới hành chính. Nhưng với những lớp trầm tích lịch sử, văn hóa có một không hai của quận Hoàn Kiếm, tôi mong rằng các cấp lãnh đạo cần phải xem xét, cân nhắc một cách hết sức kỹ càng, thận trọng”.
Mặc dù chỉ là một đơn vị hành chính cấp huyện, về lý, quận Hoàn Kiếm cũng cần được quản lý, điều hành tương đương với bất kỳ một quận, huyện nào khác. Song, do tính đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân cư, cho nên thông tin quận Hoàn Kiếm có thuộc diện phải “sắp xếp” và có thể bị sáp nhập được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm đang được đặt ra do việc xét theo hai tiêu chí về dân số và diện tích. Song, đó là những tiêu chí “cứng”. Một đơn vị hành chính không chỉ được tạo dựng nên bởi những tiêu chí “cứng” đó, mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý. Do vậy, việc sáp nhập, nhất là sáp nhập đơn vị hành chính như quận Hoàn Kiếm phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa. Nếu xét dưới góc độ này, chắc chắn Hoàn Kiếm là trường hợp đặc biệt, có nhiều yếu tố đặc thù cần được ưu tiên đánh giá kỹ.
Về tiêu chuẩn và điều kiện sáp nhập, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho biết: “Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, có quy định rõ các huyện, xã thuộc diện không bắt buộc sáp nhập nếu có một trong các yếu tố đặc thù theo quy định.
Thí dụ, đơn vị có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; hoặc đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hay có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Áp dụng quy định này, Hoàn Kiếm có các yếu tố để có thể không bắt buộc phải sáp nhập”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Quận Hoàn Kiếm hiện chỉ thiếu một tiêu chí về diện tích. Vì thế Hà Nội cần kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một “cơ chế đặc thù”, bởi Thủ đô Hà Nội là nơi có truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng. Chúng ta cần tham khảo ý kiến nhân dân. Bởi làm gì cũng phải vì dân. Nhiều nơi khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì cũng đều lấy ý kiến nhân dân. Cái gì phù hợp với nguyện vọng tâm tư của dân thì không nên bỏ qua”.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, thay vì tính đến chuyện thay đổi địa giới hành chính, đổi tên quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra của đô thị hiện nay như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu các không gian văn hóa… để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó có cư dân của quận Hoàn Kiếm.
Ngày 9/8, trao đổi về việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội có một đơn vị cấp huyện và 176 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Để thực hiện việc này, sắp tới, thành phố sẽ xây dựng đề án cụ thể, thống kê từng địa phương trong diện sắp xếp theo hai tiêu chí “cứng” là dân số, diện tích và xem xét tiêu chí thứ ba-tiêu chí rất quan trọng là yếu tố văn hóa, lịch sử. Đây cũng là tiêu chí có trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quận Hoàn Kiếm của Thủ đô Hà Nội có những yếu tố văn hóa, lịch sử rất đặc thù, cho nên thành phố bảo vệ quan điểm giữ ổn định đơn vị hành chính này, nhưng các minh chứng về những yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù của quận phải được đưa vào đầy đủ để thuyết minh, thuyết phục các cơ quan chức năng. Còn với các xã, phường-nơi nào có yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù thì cũng phải thuyết minh, thuyết phục; các địa phương còn lại phải thực hiện theo đúng quy định của Quốc hội.