BVR&MT – Chiều ngày 27/02 tại Trụ sở Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (TTKTTVQG), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng TTKTTVQG, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức tọa đàm: “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững”.
Tham gia buổi tọa đàm có Giáo sư Petterri Talaas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); Ông Yu Jixin, Tổng Thư ký Ủy ban Bão (TC); GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (VPCC); PGS.TS Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia – Phó Chủ tịch Ủy ban Bão Quốc tế… cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu về KTTV và Biến đổi khí hậu hàng đầu của Việt Nam; các phóng viên, nhà báo đến từ hơn 30 cơ quan báo chí.
Theo đánh giá chung, trong những năm gần đây khí hậu toàn cầu đã và đang biến đổi mạnh mẽ với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng trên toàn thế giới đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và làm thiệt hại giá trị kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đô la. Đặc biệt tại Việt Nam đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết phức tạp như: mưa, rét kéo dài lịch sử trong 38 ngày, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động bất thường không theo quy luật, mùa mưa ít mưa, hạn hán nghiêm trọng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng rất cao,… gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Các quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến ngành khí tượng thủy văn ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo, cảnh báo. Với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc dự báo thời tiết đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng khiến công tác khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người và tài sản. Trong khi đó Việt Nam là một quốc gia mà ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo thì nhu cầu về thông tin thời tiết, về sự thay đổi mùa, càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Để hạn chế những tác động này, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã không ngừng đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu các lĩnh vực khí tượng thủy văn, thời tiết. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu, ứng dụng và giám sát, theo dõi những biến động của thời tiết khí hậu, giới nghiên cứu khoa học khí tượng trên thế giới đã tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho đời sống dân sinh góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản cho toàn xã hội.
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Petterri Talaas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã chia sẻ những ưu tiên của Chiến lược phát triển của Tổ chức Kinh tế thế giới giai đoạn 2016 – 2019, bao gồm: Thích nghi với Biến đổi Khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quản lý tài nguyên nước, phục vụ tốt hơn cho các thành viên và các tổ chức dự báo khí hậu quốc gia (NMHSS),…
Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử , Ông Petterri Talaas cho biết: “Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối các quốc gia thành viên của WMO hợp tác cùng hỗ trợ, chia sẻ dữ liệu khí hậu, thời tiết toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những thông tin cảnh báo, dự báo với độ tin cậy cao sẽ trợ giúp đắc lực cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình ra quyết định”.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ và hạn hán và xâm nhập mặn. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương gần 1,3 tỷ USD). Ở Việt Nam, năm 2017 đã khép lại với số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới kỷ lục trong lịch sử: 20 cơn bão. Trong khi đó, trước đây, chưa bao giờ Việt Nam đặt tên cơn bão số 16. |
Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Trần Hồng Thái – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia – Phó Chủ tịch Ủy ban Bão Quốc tế cho biết: Diễn đàn nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm nay đã quy tụ hàng trăm chuyên gia khí tượng thế giới, cùng nhau nhìn nhận những khó khăn, tồn tại và cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm mới. Bên cạnh đó, thống nhất nhận định xu thế khí hậu năm 2018 và chuẩn bị tốt hơn cho phòng chống thiên tai.
Theo ông Trần Hồng Thái, theo khách quan nhìn nhận, chất lượng dự báo của nước ta đã từng bước nâng lên và dần tiệm cận với các nước phát triển. Ngành KTTV của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, gia tăng mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp… là những công nghệ giúp cho việc dự báo tốt hơn.
Một trong những khó khăn hiện nay của nước ta, đó là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20 – 30% mật độ so với khu vực, khoảng 50% trạm tự động, còn nhiều trạm đo thủ công. Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, truyền tin, dự báo còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm… Đây là hành động cần sự chung tay của các Bộ ngành, địa phương để làm sao đưa ra các bản tin gần thực tế, dễ sử dụng hơn.
Còn GS.TS Trần Thục – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng, do ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết của Việt Nam trở nên khắc nghiệt hơn, đặc biệt là nhiệt độ cao, tăng khô hạn và mưa lớn diện rộng gây trượt lở, lũ quét.
Cũng theo ông, BĐKH cũng làm tăng cả về số lượng, cường độ và tính chất cực đoan của các cơn bão trên toàn cầu. Thông qua các hội nghị quốc tế, các chuyên gia khí tượng nhận định, trong vòng 25 năm tới, dự báo về đường đi của bão có thể sẽ chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, ngành khí tượng cần chú trọng cải thiện công tác truyền thông, làm sao đưa thông tin đến người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn, nâng cao vai trò của ngành trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tọa đàm cũng nhận được hàng chục câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí cũng như của các cán bộ, kỹ thuật viên đang làm công tác dự báo KTTV trên cả nước về các vấn đề siêu bão, nước biển dâng, thích ứng với biến đổi khí hậu, những khó khăn còn tồn tại… Đại diện Tổ chức Khí tượng Thế giới, Đại diện lãnh đạo Trung tâm KTTV Quốc gia, Sở NN&PTNT Ninh Bình… đã lần lượt giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến công tác dự báo KTTV cho phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, nếu con người biết cách bảo vệ, giữ gìn và khai thác một cách hợp lý thì hệ thống khí hậu là tài sản, tài nguyên quý giá sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Dưới góc độ là một nguồn tài nguyên, khí hậu có thể ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên khác, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, … Đây cũng là một trong những thách thức mới cho ngành khí tượng thủy văn.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hiện nay, cùng với dịch vụ khí hậu với chất lượng ngày càng được cải thiện đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất nhằm giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, cần phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao cho người dân hiểu biết về khí hậu và sử dụng hiệu quả về khí hậu qua đó đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và quản lý tài nguyên nước, năng lượng…
Thạch Thảo – Hồng Yến