BVR&MT – Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 19/10/2013 về chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tính đến nay, sau 05 năm triển khai, ngành nông nghiệp đã thực hiện liên kết, xây dựng cánh đồng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Không thể phủ nhận là trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và phát triển các mối liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã và đang góp phần giúp sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp người nông dân nâng cao thu nhập và ổn định đời sống sản xuất có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ, chuyển giao công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo khảo sát của Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống, ở Đồng bằng sông Cửu Long mỗi hecta lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 – 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20 – 25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền Bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1 ha lúa thấp hơn so với Đồng bằng sông Cửu Long, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17 – 25% tùy theo từng địa phương. Hơn nữa, tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Hiện nay, tỷ lệ diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất của cả nước trung bình đạt 29,2%. Các doanh nghiệp đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển. Tình trạng thương lái đấu trộn các loại giống lúa để bán cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu đã giảm đáng kể khi doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thêm vào đó, việc xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn sẽ hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Tại các vùng cánh đồng lớn, một số doanh nghiệp có diện tích liên kết lớn như Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Tổng công ty Lương thực Miền Nam đang hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã nông nghiệp làm tổ chức trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Điển hình là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã hỗ trợ thành lập hàng trăm tổ, nhóm hợp tác. Sau khi thành lập hợp tác xã, Công ty đã cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ các hợp tác xã về kỹ thuật, quản lý, giúp hợp tác xã chủ động trong việc sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Đình Dũng, Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, nhờ thực hiện Quyết định trên, việc liên kết theo cánh đồng lớn phát triển mạnh về diện tích đối với sản xuất lúa ở các tỉnh thành trên cả nước, tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời bắt đầu mở rộng ra với nhiều cây trồng khác như ngô, mía, rau, chè… Các mô hình cánh đồng lớn đều cho hiệu quả rõ nét đối với nông dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tham gia liên kết.
Về phía người nông dân, được tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định, an toàn ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho nhu cầu sản xuất với lãi suất thấp, tin cậy hơn về chất lượng. Từ đó, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất sản lượng. Đặc biệt, tạo động lực cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập.
Về phía doanh nghiệp, chủ động về nguồn cung sản phẩm nông nghiệp, chất lượng được quản lý, giá cả ổn định, thuận lợi trong quá trình liên kết với nông dân và có sự cam kết rõ ràng về số lượng, chất lượng, thời gian cung cấp sản phẩm,… thông qua hợp đồng liên kết. Doanh nghiệp yên tâm đầu tư hợp tác liên kết với nông dân làm ăn lâu dài.
Cũng theo Cục kinh tế hợp tác, việc tổ chức liên kết thực hiện cánh đồng lớn là nơi hợp tác, liên kết để chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp. Đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân.
Tuy nhiên, Cục kinh tế hợp tác cũng chỉ rõ, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tình hình phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ xây dựng cánh đồng lớn trong thực tiễn vẫn bộc lộ hạn chế, bất cập, có thể kể đến như: diện tích cánh đồng lớn chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 3,9% so với tổng diện tích cây trồng: Tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Số hộ nông dân, hợp tác xã tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều, chỉ có 0,619 triệu hộ trong tổng số 9,32 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đối với các hợp tác xã, chỉ có 12% thực hiện tiêu thụ nông sản cho thanh viên và nông dân trên địa bàn. Trong đó chỉ có khoảng 6% số hợp tác xã tham gia trong các cánh đồng lớn. Tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng trong cánh đồng lớn chưa cao, bình quân chỉ đạt 29,2%. Một số tỉnh chưa có diện tích cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất. Tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra, nhất là đối với cây lúa: Mục tiêu quan trọng nhất trong hợp tác, liên kết, xây dựng cánh đồng lớn là tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý cho nông dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tỷ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20-30% đối với lúa, cao nhất mới được trên 70%. Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến.
Thiết nghĩ, sự thành công của các mô hình hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cả người dân và cán bộ chính quyền các cấp về tính tất yếu phải hợp tác, liên kết trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Chỉ có hợp tác, liên kết mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường.