BVR&MT – Giới bảo tồn động vật hoang dã đánh giá việc Việt Nam thành lập một khu dự trữ thiên nhiên mới bao gồm sinh cảnh quan trọng của nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp độ toàn cầu là một thắng lợi.
Tọa lạc tại tỉnh Quảng Bình, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong có diện tích 22.132 ha, chủ yếu là rừng thường xanh vùng thấp thuộc dãy Trường Sơn và ở phía nam VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (nơi có hang động lớn nhất thế giới).
“Về lý thuyết, là khu dự trữ thiên nhiên thì Khe Nước Trong sẽ được bảo vệ ở mức cao nhất, không khai thác tài nguyên hay du lịch ở phân khu phục hồi sinh khái được bảo vệ nghiêm ngặt”, Nguyễn Thị Thu Trang, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ bảo tồn động vật hoang dã WildAct chia sẻ. Trước đây, Khe Nước Trong được coi là rừng đầu nguồn.
Công đầu trong việc thành lập khu dự trữ là Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Việt Nature) cùng sự hỗ trợ của nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế. Bà Phạm Tuấn Anh – đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Việt Nature cho biết tổ chức của mình (và tiền thân là chương trình BirdLife Việt Nam) đã hoạt động ở Khe Nước Trong khoảng 2 thập kỷ.
Theo bà Tuấn Anh, có nhiều loài nguy cấp sinh sống ở Khe Nước Trong như sao la (pseudoryx nghetinhensis), 2 loài mang (muntiacus vuquangensis và M. truongsonensis), thỏ vằn Trường Sơn (nesolagus timminsi), tê tê Java (manis javanica), vượn đen má trắng siki (nomascus siki), chà vá chân nâu (pygathrix nemaeus), trĩ sao (rheinardia ocellata).
Khu rừng cũng nằm trong phạm vi sinh sống của loài gà lôi lam mào trắng đặc hữu cực kỳ nguy cấp (lophura edwardsi) – loài có thể đã tuyệt chủng về mặt chức năng ở ngoài tự nhiên. Bà Tuấn Anh cho hay: “Đã có kế hoạch giới thiệu lại loài này và một đàn đủ để phục hồi” ở Khe Nước Trong.
Sao la là loài thu hút chú ý đặc biệt, được miêu tả dựa vào những xác thú tìm được năm in 1992, và hiếm đến nỗi được gọi là “kỳ lân châu Á”.
Bà Tuấn Anh cho biết chương trình BirdLife Việt Nam tìm được xác sao la bị thợ săn giết ở Khe Nước Trong vào năm 2002, bẫy ảnh và các cuộc khảo sát của Việt Nature khắp khu rừng trong hơn một thập kỷ qua “cho thấy rất có hy vọng rằng sao la vẫn còn ở đó”.
Ngược lại, Nguyễn Thị Thu Trang không tự tin lắm về việc Khe Nước Trong còn sao la: “Tôi cho rằng tuyên bố như thế là dễ gây hiểu lầm vì sao la quá hiếm. Theo tôi được biết, chưa bao giờ sao la sống được ghi nhận ở Khe Nước Trong”. Thu Trang có tham gia vào các cuộc khảo sát động vật hoang dã ở những khu vực lân cận nhưng không tham gia vào việc thành lập khu dự trữ mới.
Thật ra, theo nhóm làm việc Sao la thuộc IUCN, chưa nhà sinh vật học nào quan sát được sao la còn sống trong tự nhiên. Ghi nhận duy nhất về loài này trong sinh cảnh tự nhiên là qua các hình ảnh thu được từ bẫy ảnh, bức gần nhất là ở một địa điểm không tiết lộ thuộc miền Trung Việt Nam vào 2013. Trước đó, không có dấu hiệu được khẳng định là đã nhìn thấy sao la ở Việt Nam kể từ năm 1998.
Bà Tuấn Anh cũng cho rằng không nên quá tập trung vào sao la. “Thật buồn là có quá nhiều loài rất nguy cấp nhưng bị ngó lơ, chẳng hạn như gà lôi lam mào trắng và trĩ sao. Theo tôi thì dù không có sao la, Khe Nước Trong vẫn là nơi không kém chỗ nào nhờ vào giá trị đa dạng sinh học tuyệt vời”.
Giới bảo tồn cho rằng việc thành lập khu dự trữ thiên nhiên có vai trò thiết yếu với sức khỏe tương lai của khu vực.
“Như nhiều nước, ở Việt Nam, các khu bảo tồn là nền tảng bảo tồn đa dạng sinh học”, Giám đốc FFI Việt Nam Josh Kempinski chia sẻ. “Về mặt duy trì sinh cảnh và ít nhất là cố gắng giải quyết nạn săn trộm và các mối đe dọa khác, các khu bảo tồn đã được chứng minh là công cụ quan trọng”.
Kempinski cũng nghi vấn đề tuyên bố có sao la, nói thêm rằng Khe Nước Trong không phải là “vùng rừng đất thấp đáng kể cuối cùng ở Việt Nam” như thông cáo báo chí của Đại học Leeds, dù chắc chắn đây là khu vực quan trọng. Những khu rừng như thế vẫn còn ở phía Bắc và Tây Nguyên dù nhiều khu rừng đã suy thoái – giới bảo tồn hy vọng Khe Nước Trong tránh đi vào vết xe đổ.
Vì là rừng đầu nguồn nên trước đây Khe Nước Trong không được quan tâm nhiều về chống săn bắn và đặt bẫy – những hành vi đang nở rộ khắp các khu rừng chưa được bảo vệ ở Việt Nam. Hơn nữa, mức độ bảo vệ thấp như thế khiến rừng dễ bị chuyển đổi phục vụ các hoạt động như khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc phát triển nông nghiệp, dù rừng Khe Nước Trong đang trong tình trạng khá tốt.
Nâng cấp thành khu dự trữ thiên nhiên – một trong nhiều loại hình khu bảo tồn được gọi chung là “rừng đặc dụng” sẽ bảo vệ tốt hơn khu rừng khỏi các hoạt động phát triển. Những khu rừng như thế “không phải hoàn toàn không bị xâm hại” theo Kempinski. “Nhưng chỉ là những dự án quy mô nhỏ như khu nghỉ dưỡng hoặc cáp treo được chính quyền phê duyệt thôi chứ không phải chuyển đổi tất cả hoặc dọn sạch mặt bằng”.
Mức độ bảo vệ mới chưa giúp Khe Nước Trong thoát hẳn khỏi các mối đe dọa lớn.
“Tương tự như các khu bảo tồn và VQG ở Việt Nam, Khe Nước Trong đối mặt với những mối đoe dọa lớn như chuyển đổi đất, hoạt động xâm lấn của con người, khai thác gỗ và bẫy thú dày đặc”, Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ. “Khe Nước Trong rất gần với biên giới Lào, cũng có nghĩa là thách thức thật sự để bảo vệ rừng khỏi những kẻ săn trộm và buôn lậu động vật hoang dã”.
Bà Phạm Tuấn Anh cũng nhận thức được những mối đe dọa trên, phúc đáp câu hỏi liệu việc nâng cấp Khe Nước Trong sẽ thu hút các thợ săn hay không: “Vài năm trước, đó là mối lo của chúng tôi khi nơi này chưa được nâng cấp thành khu bảo tồn. Dù hiện tại bị những kẻ săn trộm chú ý hơn nhưng Khe Nước Trong cũng được cộng đồng và chính quyền địa phương quan tâm hơn, được các nhà tài trợ cả trong nước và quốc tế hỗ trợ”.
Kempinski giải thích thêm về mức độ bảo vệ đối với khu dự trữ thiên nhiên: “Hình phạt cho tội khai thác gỗ và săn bắn là rất nặng, khu dự trữ thiên nhiên sẽ có lực lượng kiểm lâm mới, ban quản lý quy mô hơn và ngân sách lớn hơn. Đồng thời sẽ có nghĩa vụ pháp lý về phá triển kế hoạch quản lý”.
FFI không góp phần vào việc thành lập khu dự trữ thiên nhiên này nhưng hợp tác với một tổ chức bảo tồn của Việt Nam để thành lập một khu bảo tồn khác ở Kon Plong (Kon Tum) để làm nơi cư trú cho một loài đặc hữu khác đang đối mặt với những mối đe dọa tương tự ở Khe Nước Trong.
Giới chức rất hưởng ứng ý tưởng này, Kempinski coi việc đó (cùng với việc thành lập khu dự trữ thiên nhiên Khe Nước Trong) là chiều hướng tích cực: “Trong khi việc giành đất và tài nguyên chưa bao giờ lớn như bây giờ, các mối đe dọa vẫn rất đáng kể, tôi nhận thấy chính phủ ngày càng hiểu rõ và ưu tiên hơn cho phát triển cân bằng và bền vững, kể cả bảo tồn rừng, đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái”.
Có kỳ lân hay không, rừng miền Trung Việt Nam cũng khiến giới chuyên gia ngạc nhiên. Năm ngoái, bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh về cheo cheo lưng bạc (tragulus versicolor) – loài có vẻ ngoài như hươu nhưng chỉ kích cỡ chỉ bằng loài thỏ và chưa được phát hiện trong gần 30 năm.
Những khả năng như thế khiến giới bảo tồn hào hứng nhưng cũng không kém phần thận trọng.
“Thành lập khu dự trữ thiên nhiên là tin vui và là thành tựu lớn”, Nguyễn Thị Thu Trang nói. “Nhưng các loài nguy cấp sống trong khu vực chỉ được lợi nếu việc thực thi luật được thực hiện hiệu quả”.
Nhật Anh (Theo Mongabay)