BVR&MT – Nhu cầu gỗ làm vật liệu xây dựng, nhiên liệu và than củi ngày càng tăng khiến diện tích rừng của Campuchia suy giảm mạnh.
Năm 1975, rừng bao phủ 73% diện tích nước này nhưng đến 2019 đã giảm xuống chỉ còn 46,84%.
Rừng của Campuchia gồm rừng thường xanh, bán thường xanh, rừng khộp và rừng ngập với tổng diện tích bao phủ 8,7 triệu ha vào năm 2016. Tuy nhiên, Báo cáo Phát triển Con người Campuchia 2019 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố cuối tháng 11 cho biết các dự án phát triển không bền vững như nhượng đại để làm kinh tế, thủy điện, khai khoáng cũng như khai thác gỗ bất hợp pháp đã tạo ra một vòng luẩn quẩn làm suy thoái cả hệ sinh thái quốc gia này.
“Giảm thiểu áp lực này và tiến tới quản lý rừng bền vững nên bắt đầu bằng việc khôi phục rừng bị suy thoái và tăng cường năng lực sản xuất trong 15% rừng hiện được dành cho khai thác gỗ (1,3 triệu ha)”, Liên hiệp quốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Campuchia cần lưu ý một số vấn đề như: Thu thập dữ liệu chính xác và đầy đủ để xây dựng một chiến lược hiệu quả và can thiệp kịp thời; ban hành chính sách mới để quản lý rừng trồng và giảm thiểu mất gỗ; xây dựng chiến lược quản lý rừng tự nhiên cùng với nâng cao nhận thức trong các cộng đồng địa phương; thiết lập hệ thống quản lý lâm nghiệp bền vững toàn diện. Điều này đòi hỏi phải thực thi pháp luật hiệu quả và xây dựng một hệ thống chính thức đảm bảo tính hợp pháp cho gỗ.
Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra cho biết chính phủ đã có kế hoạch chiến lược rõ ràng để quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Theo đó, kế hoạch đã được soạn thảo vì rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước cũng như giảm tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Để làm điều này, chính phủ Campuchia đã mở rộng diện tích tự nhiên cần bảo vệ lên 7,2 triệu ha nằm dưới quyền quản lý của Bộ Môi trường, tương đương với 41% diện tích đất nước.
Nhật Anh (Theo Asia News)