Cameroon đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng ca cao, cà phê nhưng vẫn phải bảo vệ rừng

BVR&MT – Sáng kiến ​​Rừng Trung Phi (CAFI) và chính phủ Cameroon đã ký một thỏa thuận trị giá 60 triệu đô la nhằm tài trợ cho các dự án phát triển sản xuất ca cao, cà phê bền vững nhưng đồng thời phải bảo vệ được rừng. Thay vì mở rộng sang các khu vực có rừng khác, các dự án sẽ tập trung tăng sản lượng bền vững từ diện tích đất nông nghiệp hiện có.

Chính phủ Cameroon cho biết họ có kế hoạch đầu tư mạnh vào nông nghiệp trong thập kỷ tới kết hợp mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, đồng thời bảo tồn rừng. Đất nước này đã mất trung bình 110.000 ha rừng/năm kể từ năm 2013 – 2023 với tổng diện tích rừng bị mất tăng vọt lên 204.000 ha.

Theo dữ liệu từ nền tảng giám sát rừng Global Forest Watch, Cameroon đã mất hơn 2 triệu ha rừng từ năm 2001 – 2023, chủ yếu do khai thác gỗ, khai khoáng và nông nghiệp. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tuyên bố có thể tăng gấp đôi sản lượng ca cao và cà phê thương mại trong khi vẫn đảm bảo giảm nạn phá rừng.

Công nhân phơi hạt cacao tại một hợp tác xã nông nghiệp Konye (Konafcoop) ở Cameroon. Ảnh © John Novis /Greenpeace.

Đáng chú ý, một nghiên cứu vào tháng 6/2024 được công bố trên tạp chí PLOS ONE đã xác định việc trồng ca cao là một trong những động lực gây ra nạn phá rừng ở lưu vực Congo, đặc biệt là ở Cameroon. Các tác giả của nghiên cứu này đã đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro phá rừng liên quan đến ca cao như: áp dụng hệ thống nông lâm kết hợp, quy hoạch đất đai hiệu quả hơn và khuyến khích thực hành nông lâm nghiệp bền vững.

Người dân đang làm việc tại một đồn điền ca cao ở làng Essam, Molongo. Ảnh © John Novis/Greenpeace. / Greenpeace.

Theo thỏa thuận hợp tác được ký vào tháng 10/2024, tổng kinh phí 60 triệu đô la sẽ được Liên minh châu Âu, Na Uy, Pháp, Hàn Quốc và các quốc gia khác tài trợ cho 4 dự án lớn trong giai đoạn từ năm 2025 – 2027.

Một trong những dự án này là Quỹ phát triển cho ngành ca cao và cà phê, được tài trợ khoảng 20 triệu đô la, giúp 30.547 nhà sản xuất nhận được khoản thanh toán cho các dịch vụ môi trường bao gồm hoạt động thành lập các đồn điền ca cao hoặc cà phê không phá rừng và tăng cường sản xuất trên các đồn điền hiện có với diện tích khoảng 92.000 ha.

Dự án thứ hai trị giá 20 triệu đô la sẽ phát triển và triển khai các cơ chế khuyến khích nhằm quản lý rừng có giá trị cao, có hàm lượng carbon cao tại khu vực Grand Mbam ở miền trung Cameroon, cũng như hỗ trợ phát triển phát thải thấp của các chuỗi giá trị được lựa chọn.

Khoản tài trợ 6,4 triệu đô la khác nhằm mục đích điều hòa nhu cầu về đất đai và tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế với quản lý hệ sinh thái bền vững tại các khu vực Trung tâm, Nam và Duyên hải. Dự án thứ tư sẽ phân bổ 13,6 triệu đô la để hỗ trợ sự điều phối liên ngành và đa bên về chính sách khí hậu và rừng của Cameroon cũng như thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Rừng bị đốt để chuẩn bị trồng cây ở Mundemba, Cameroon, vào năm 2016. Ảnh của John Cannon/ Mongabay.

Mặc dù một quan chức của Bộ Tài chính nước này khẳng định các dự án sẽ giúp thúc đẩy thâm canh bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giảm nạn phá rừng. Tuy nhiên, hiệu quả dự án vẫn là một dấu hỏi với nhiều nhà bảo tồn.

Tháng 4/2024, một số tổ chức bảo vệ môi trường đã gửi thư cho các đối tác phát triển tại Cameroon để chỉ trích hướng đầu tư của CAFI tại đất nước này. Họ cho rằng Cameroon phải được coi là một quốc gia có nguy cơ phá rừng cao, do chính sách nông nghiệp ủng hộ nạn phá rừng, đồng thời kêu gọi CAFI chuyển hướng đầu tư vào các dự án góp phần ngăn chặn tình trạng phá hủy các khu vực rừng mưa quan trọng của Cameroon. Theo các tổ chức này, khả năng đạt được sản xuất ca cao, cà phê bền vững mà không phá rừng ở Cameroon là không rõ ràng và các nguồn tài trợ từ CAFI có thể được chuyển hướng đến các ngành nông nghiệp thậm chí còn gây hại nhiều hơn cho rừng của Cameroon, chẳng hạn như chuỗi sản xuất dầu cọ: khoảng 60.000 ha rừng ở phía Nam nước này đang bị đe dọa bởi sự mở rộng của các đồn điền dầu cọ.

Trong khi đó, CAFI cho biết họ sẽ đạt được các mục tiêu hợp tác là bảo tồn và quản lý bền vững các khu rừng của Cameroon bằng cách tăng cường các quy trình quản trị liên ngành để đảm bảo Cameroon vẫn duy trì khả năng cạnh tranh về kinh tế, đồng thời cải thiện phúc lợi của người dân thông qua quản lý rừng bền vững. Một cơ chế tài chính sẽ được thiết lập để giúp các hội đồng khu vực và thành phố tài trợ cho việc quản lý bền vững, bảo tồn và phục hồi rừng.

LH (Theo Mongabay)