Cam Vinh – Món quà quý của người xứ Nghệ

BVR&MT – “Cam Vinh” – Đặc sản nổi tiếng không còn xa lạ với bất kỳ ai. Dưới bàn tay nâng niu chăm sóc của người nông dân xứ Nghệ, cho dù đất có khô cằn, nắng gió nhưng những trái cam Vinh nơi này vẫn toát lên được hương vị đặc trưng mà các vùng đất khác không thể so sánh được.

Giống cam Xã Đoài tại xã Minh Hợp – huyện Quỳ Hợp – tỉnh Nghệ An.

Nói đến cam Vinh nhiều người nghĩ những trái cam được trồng trên đất Vinh, tuy nhiên không phải vậy. Cam Vinh chỉ là tên gọi còn vùng đất trồng cam Vinh nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, trong đó Quỳ Hợp là huyện tập trung trồng cam nhiều nhất và được đánh giá là cam ngon nhất.

Được gọi chung là cam vinh nhưng trên thực tế nó có 4 loại giống gồm : Cam Xã Đoài, Cam Sông Con, Cam Vân Du và Cam V2. Nhưng chủ yếu là giống cam Xã Đoài bởi đây là giống cam mang về lợi nhuận cao nhất, dễ chăm bón và được người dân yêu chuộng nhất. Tuy là các giống khác nhau nhưng cam đều cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Vào những ngày này người dân xã Minh Hợp – huyện Quỳ Hợp – tỉnh Nghệ An đang hối hả vào vụ mùa thu giống cam Xã Đoài. Người dân phấn khởi vì thương hiệu cam ngày càng được du khách biết đến.

Vườn cam nhà ông Nguyễn Công Biên.

Vườn cam nhà ông Nguyễn Công Biên, xóm Minh Thọ – xã Minh Hợp – huyện Quỳ Hợp đang vào dịp thu hoạch. Thương lái ra vào tấp nập thu mua tại vườn nhà. Gia đình ông lấy giống cam từ Học viên Nông nghiệp Việt Nam đừa về vùng đất Qùy Hợp để canh tác. Bắt đầu trồng từ năm 2015 với diện tích 01ha trồng 500 gốc, tính đến nay gia đình ông kinh doanh được hai năm. Tùy vào sản lượng và chất lượng mỗi năm, trung bình mỗi mùa thu hoạch 20 đến hơn 30 tấn, thu về 400 đến 500 triệu/ha.

Ông Biên chia sẻ: “Cam là loại cây dễ thu về tiền trăm triệu thậm chí là tiền tỉ, tuy nhiên điều này đòi hỏi người làm vườn phải biết các kĩ thuật chăm sóc cam, không thì cũng dễ vỡ nợ”.

Theo ông Biên để xây dựng được thương hiệu và lấy lòng tin của người tiêu dùng thì việc đảm bảo an toan vệ sinh thực phẩm được coi là hàng đầu. Gia đình ông chủ yếu là sử dụng phân hữu cơ, kết hợp các loại thuốc dân gian và biện pháp thủ công để chống ruồi vàng. “Tuy nó không hoàn toàn tiêu diệt hết các loại côn trùng nhưng sử dụng các biện pháp thủ công nó cũng hạn chế được nhiều. Đặc biệt là an toàn cho chính bản thân mình và để giữ nguyên hương vị cam xã đoài” ông Biên chia sẻ.

Sử dụng các biện pháp thủ công để bẫy, diệt ruồi vàng.

Xây dựng được thương hiệu, thương lái đến tại vườn của gia đình ông Biên để thu mua. Giá bán buôn giao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg tùy vào từng loại. Chị Nguyễn Thị Tuyết – một người buôn cam nhà ông Biên suốt hai năm nay cho biết: “Hai đến ba ngày chị lại lên đây thu mua, mỗi lần một tạ, chủ yếu bán cho khách quen và đưa đi các tỉnh khác vì họ tin tưởng sản phẩm của mình, khách rất thích giống cam Xã Đoài này. Mua tại vườn đây thì an toàn, đảm bảo sản phẩm sạch và đúng vị cam Xã Đoài”.

Thương lái đến tận vườn để thu mua cam Xã Đoài.

Cam Vinh quả tròn đều, mọng nước, vàng đều. Màu vàng của cam Vinh là màu vàng tươi chanh pha với màu xanh, chứ không phải màu vàng da cam. Kể cả phần tép cam cũng vàng nhẹ chứ không phải màu vàng cam, bắt đầu vào mùa từ cuối tháng 9 âm lịch. Tuy nhiên cùng lúc này nhiều loại cam từ nhiều địa phương khác cũng thu hoạch khiến cho khách hàng nhất là các thành phố như Hà Nội khó có thể phân biệt được chính xác đâu là cam Vinh chính hiệu. Theo như ông Biên chia sẻ, cam Vinh nói chung và cam Xã đoài nó riêng khi cắt cuống có lá, nó chỉ tươi được trong hai tiếng đồng hồ. Đấy là đặc điểm rõ nhất để phân biệt giữa cam Vinh và cam Trung Quốc.


Đây cũng là điều khó khăn nhất khi hàng loại các loại cam trên thị trường đều nhận danh là cam Vinh, vì vậy trong tương lai, để xây dựng và giữ vững thương hiệu, người dân cùng chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể hơn để cam vinh có thể đứng vững trên thị trường.

Hà Linh