BVR&MT – Bang California, Hoa Kỳ đang hợp tác với các nhóm bảo tồn, các nhà sinh vật học và nhiều nhà khoa học công dân để cứu loài bướm Monarch (còn gọi là bướm vua phương Tây) khỏi bờ vực tuyệt chủng với hy vọng đặt cược vào việc trồng phổ biến cây bông sữa.
Bướm Monarch có hoa văn màu cam và đen đặc biệt, chúng từng tràn về California hàng triệu cá thể và sống cả mùa đông trên cây khi di cư đến rồi lại rời khỏi bờ biển miền Trung của bang. Tuy nhiên, quần thể loài đã giảm mạnh từ 4,5 triệu cá thể vào những năm 1980 xuống còn gần 200.000 cá thể trong những thập kỷ gần đây, trong đó đặc biệt giảm sâu vào năm 2018 khi chỉ còn gần 30.000 cá thể. Chưa dừng lại, khi được các tình nguyện viên kiểm đếm vào tháng 11/2020, số lượng loài chỉ còn dưới 2.000 cá thể, tỷ lệ sụt giảm lên tới 99% trong 3 thập kỷ.
Hiện các nhà bảo tồn đang trồng 30.000 cây bông sữa bản địa – loài cây rất quan trọng với vòng đời của bướm vua, vừa cung cấp thức ăn cho ấu trùng bướm, vừa giúp màu sắc của bướm tươi sáng hơn nhờ thành phần độc dược có trong cây.
Sâu bướm Monarch hoàn toàn phụ thuộc vào cây bông sữa trong hai tuần của vòng đời, chúng nhấm nháp khoảng 30 chiếc lá trước khi biến đổi thành những con nhộng có màu xanh ngọc bích rồi cuối cùng xuất hiện thành bướm.
Nhà sinh vật học Hillary Sardiñas, người đóng vai trò điều phối viên thụ phấn cho bộ phận cá và động vật hoang dã California cho biết: “Bướm vua là một biểu tượng vô cùng đáng kinh ngạc. Sẽ thật kinh khủng nếu mất đi loài bướm đã chiếm trọn trí tưởng tượng của con người trong hàng trăm năm”.
Hiện tiểu bang cũng đang cung cấp 1,3 triệu đô la cho tổ chức phi lợi nhuận River Partners để khôi phục 595 mẫu Anh (tương đương 240 ha) môi trường sống của bướm dọc theo các con sông và suối ở California. Ngoài ra, các nhà sinh vật học cũng tranh thủ sự giúp đỡ của những người làm vườn và các nhà khoa học công dân trong việc trồng cây bông sữa trên đất của họ cũng như giúp ghi lại tần suất bướm vua xuất hiện.
Sardiñas cho biết mặc dù vẫn chưa biết được chính xác lý do tại sao quần thể bướm vua lại suy giảm đột ngột như vậy nhưng các nhà khoa học suy đoán loài đang phải chịu một số tác động bất lợi như: mất môi trường sống (do hàng ngàn mẫu đất hoang dã bị chuyển đổi), việc tăng cường sử dụng thuốc diệt cỏ làm giảm số lượng cây bông sữa tự nhiên để bướm vua đẻ trứng, sử dụng thuốc diệt côn trùng trong nông nghiệp cũng có thể gây hại cho bướm vua theo những cách mà các nhà khoa học đang tìm hiểu. Một nghiên cứu năm 2020 của Xerces Society và Đại học Nevada, Reno (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu nhiều mẫu cây bông sữa khác nhau từ xung quanh thung lũng trung tâm và tìm thấy trung bình 9 loại thuốc trừ sâu khác nhau trên mỗi cây.
Ngoài những yếu tố trên, bướm vua cũng có thể đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ sự nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học đã phát hiện ra chúng đang xuất hiện từ các địa điểm trú đông sớm hơn vào mùa xuân dù khi đó cây bông sữa mà chúng cần để tồn tại có thể chưa nở. Những đám cháy lớn và những đợt đóng băng bất thường cùng khủng hoảng khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ sống của loài bướm này.
Claire Pavelka, một nhà sinh vật học đang thực hiện dự án cho River Partners cho biết khó có thể xác định chính xác điều gì ảnh hưởng đến bướm vua nhiều nhất. Tuy nhiên, những vấn đề mà loài này phải đối mặt cũng có thể gây hại cho các loài côn trùng quan trọng khác và sự suy giảm quá nhanh của chúng có thể là một dấu hiệu cho thấy nhiều loài thụ phấn như ong và các loài bướm khác cũng đang suy giảm.
Riêng Cheryl Schultz, Giáo sư sinh học tại Đại học Bang Washington, chuyên gia nghiên cứu về bướm thì lại tỏ ra lạc quan: “Quần thể bướm vua rất kiên cường, chúng thay đổi đáng kể từ năm này sang năm khác. Tôi có rất nhiều hy vọng rằng chúng có thể phục hồi”.
Trong khi tổ chức River Partners đang trồng cây bông sữa trên các khu vực rộng lớn ở thung lũng trung tâm, các nhà khoa học tiếp tục khuyến khích và hướng dẫn người dân trồng loài cây này cùng các loài hoa bản địa thân thiện với thụ phấn trong chính cộng đồng của họ.
“Không phải lúc nào mọi người cũng thiện cảm với côn trùng nhưng bướm vua thì khác, chúng được yêu mến thực sự, và thật tuyệt khi thấy mọi người cùng chung tay cứu loài vật đặc biệt này”, nhà sinh vật học Angela Laws bày tỏ.
Tú Lan (Theo Theguardian)