BVR&MT – Bản Chu Lìn thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là bản người Dao tuyển, được hình thành từ cách đây hơn 300 năm với 3 dòng họ chính là họ Phàn, họ Tẩn và họ Lý. Nơi đây có một khu rừng thiêng lâu đời, được những họ tộc người Dao xác lập từ khi mới lập làng để thờ cúng thần rừng, mong thần rừng bảo vệ cho dân bản.
Chu Lìn theo tiếng Dao gọi là rừng tre vầu, tổng diện tích ước tính khoảng 8,7 ha. Ranh giới khu rừng thiêng được xác định bởi đại diện cộng đồng là khe nước tự nhiên và kè đá do bà con nơi đây tạo dựng để ngăn biệt với các khu khác. Điều đặc biệt là có những cây gỗ lớn nằm ngoài diện tích khu rừng thiêng, trên đất rừng sản xuất của hộ gia đình nhưng những cây đó vẫn được bà con nơi đây cho là thuộc về rừng thiêng và gìn giữ tuyệt đối.
Người Dao thôn Chu Lìn tin rằng không thể xâm phạm bất kỳ một cây gỗ nào trong rừng thiêng dù là nhỏ nhất, dù là củi mục bởi nơi đây là nơi trú ngụ của thần rừng, là vị thần bảo vệ bản làng, phù hộ cho bà con trong bản luôn khỏe mạnh, bình an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát triển. Đã có trường hợp trong thôn cho chặt 1 cây gỗ Vù hương ven rừng thiêng đem bán và một số người được thần rừng báo mộng, phải làm lễ tạ thần rừng.
Hiện trong rừng có một ngôi miếu nhỏ thờ thần rừng được xây dưới gốc cây cổ thụ, trên một tảng đá. Cách đó khoảng 50m, ở giữa rừng có tượng một con Long khuyển, là vật tổ của người Dao, đặt trên một tảng đá lớn.
Khu vực rừng thiêng bản Chu Lìn nằm ở độ cao từ 1.000 đến 1070 m so với mực nước biển. Kiểu sinh cảnh là rừng kín thường xanh trên núi cao, có độ che phủ khá cao, nhiều tầng tán và đa dạng các loại cây. Hiện trong rừng còn khá nhiều cây gỗ lớn, đường kính trên 80 cm, cao trên 30 m. Các loài cây gỗ ưu thế chủ yếu là Dẻ, Mít rừng, Vối thuốc, Đa và hiếm hơn là Vù hương, Trám.
Người dân cho biết trong khu rừng hiện còn: Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Cầy hương (Viverricula indica), Hoẵng, Sóc bay (Glaucomys sabrinus). Đặc biệt, có loài Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus). Về các loài chim có Cu gáy, Cu xanh, Diều hâu. Ở khu vực này còn xuất hiện các đàn Chim hồng tước (Linaria cannabina) di cư theo mùa. Về bò sát đáng chú ý có Rắn hổ mang.
Trong khu rừng thiêng có mạch nước ngầm, cứ đến mùa mưa là nước phun trào lên tạo thành khe nước nhỏ, tại đây bà con thường mang đỗ ra để ủ giá đỗ và dẫn nước về khu sản xuất. Trong khu rừng cũng có một bể nước được xây dựng để giữ và cung cấp nước cho bà con toàn thôn. Theo chia sẻ của bà con nơi đây thì chưa năm nào ở Chu Lìn bị thiếu nước và sạt lở.
Khu rừng tín ngưỡng bản Chu Lìn được quản lý bởi Hội đồng già làng. Hội đồng già làng bản Chu Lìn gồm 3 người, đều là những người có hiểu biết về văn hóa người Dao và có uy tín trong cộng đồng, được bà con bầu lên. Việc bầu thành viên Hội đồng già làng được thực hiện trong ngày tổ chức lễ cúng rừng thiêng qua hình thức bắt thăm trước sự chứng kiến của thần rừng. Vào các ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng, Hội đồng già làng có nhiệm vụ thắp hương và dọn dẹp khu vực miếu cúng. Các vi phạm cũng như các quyết định liên quan đến rừng thiêng đều do Hội đồng già làng xử lý và giải quyết.
Lễ cúng rừng được người Dao bản Chu Lìn tổ chức vào ngày 1/3 hàng năm, do Hội đồng già làng (3 người) làm chủ lễ và thầy cúng là người hành lễ. Trước ngày tổ chức lễ cúng rừng, Hội đồng già làng sẽ đi mời thầy cúng để hành lễ. Lễ vật cúng rừng thường do các hộ gia đình mang đến đóng góp, mỗi hộ đóng góp 4 quả trứng, 0,5 kg gà và góp tiền mua con lợn 50 kg để cúng. Lễ cúng rừng được thực hiện tại nhà của một người trong Hội đồng già làng hoặc thầy cúng. Trong hôm đó, ngôi miếu trong rừng thiêng cũng được dọn dẹp, dâng lễ hương. Các bài cúng rừng của người Dao thôn Chu Lìn còn được lưu giữ trong sách cổ, ghi bằng chữ Nôm Dao.
Lễ cúng rừng thường diễn ra trong vòng 1 ngày, tất cả các hộ gia đình trong bản đều tham gia. Thầy cúng đọc bài cúng bằng tiếng Dao cổ, các vị thần rừng và hơn 10 vị thần liên quan được nhắc đến trong bài cúng. Thầy cúng thay mặt bà con gửi gắm những mong muốn đến với các vị thần để được một năm an lành, mạnh khỏe, làm ăn phát triển. Trong lúc cúng, thầy cúng cũng thực hiện các điệu nhảy truyền thống. Sau khi cúng xong, bà con cùng tổ chức ăn uống. Đây được xem là hoạt động vừa có ý nghĩa gìn giữ văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm và giáo dục cho thế hệ trẻ.
Về mặt hành chính, khu rừng thiêng bản Chu Lìn nằm trong diện tích rừng do UBND xã Hồ Thầu quản lý, được UBND xã khoán cho cộng đồng của bản Chu Lìn quản lý, bảo vệ. Để quản lý diện tích rừng này, bản Chu Lìn đã thành lập Ban quản lý rừng, gồm Bí thư chi bộ là trưởng ban, Trưởng bản là phó ban và thành viên là các hộ gia đình trong bản. Tuy nhiên, đối với khu rừng thiêng thì quyền quyết định hoàn toàn thuộc về Hội đồng già làng.
Khai thác gỗ, củi là hoạt động nghiêm cấm khai thác trong khu vực rừng thiêng. Nếu ai vi phạm sẽ bị Hội đồng già làng xử lý theo quy ước. Mức xử phạt vi phạm rừng được quy định như sau: chặt một cây nhỏ phải nộp chục trứng. Chặt cây to hơn phải nộp 3 con gà. Chặt cây có đường kính trên 20 cm phải nộp 1 con lợn trên 10 kg. Tất cả để làm lễ cúng tạ với thần rừng.
Việc lấy củi chỉ diễn ra đúng ngày cúng rừng và chỉ sử dụng củi đó để đun nấu lễ cúng và thức ăn phục vụ trong ngày cúng rừng và không ai được lấy củi mang về nhà. Chỉ được lấy quả (mít rừng, bòn bon) và một số lá thuốc trong khu vực rừng tín ngưỡng. Việc khai thác các loại củ, măng trong rừng bị cấm.
Săn bắn là việc làm bị nghiêm cấm. Theo người dân nơi đây, nếu ai sắn bắn gây tiếng nổ trong rừng thiêng là làm cho thần rừng bị giật mình và sẽ phạt dân bản, như làm cho bệnh tật, mất mùa. Trong khu rừng thiêng hầu như không có hoạt động canh tác nào vì không ai dám xâm phạm tới khu rừng thiêng và thần rừng. Cấm chăn thả trong rừng tín ngưỡng, chỉ có gia súc chạy qua khu rừng thiêng, nhưng người dân nhanh chóng đuổi ra khỏi khu vưc này.
Rừng thiêng Chu Lìn là một ví dụ về một khu vực rừng có giá trị sinh thái được người dân tín ngưỡng, gìn giữ và quản lý rất hiệu quả bằng thể chế truyền thống là Hội đồng già làng qua những phong tục tập quán lâu đời.
Bài và ảnh: Minh Xuân – Bá Thẩm
Nguồn: PanNature