BVR&MT – Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn của mùa khô 2022 – 2023, xâm nhập mặn diễn ra sớm, vào sâu nội địa do nước thượng nguồn giảm.
Ranh mặn 1g/l thậm chí 4g/l đang xâm lấn thêm vào hàng chục km và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Điều này, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Xâm nhập mặn diễn rất sớm
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012- 2022) và không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.
Tại tỉnh Vĩnh Long, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lưu Nhuận cho biết, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 18-21/1, độ mặn trên các sông chính của tỉnh có xu hướng tăng dần và đạt đỉnh vào ngày 21/1 ở mức thấp, sau đó xuống dần cho đến ngày 26/1.
Trên sông Cổ Chiên, tại xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, cách cửa sông khoảng 50-52 km, độ mặn cao nhất là 1,2 ‰, xuất hiện ngày 21/1, sau đó giảm dần. Trên sông Hậu, tại xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, cách cửa sông khoảng 60-64 km, độ mặn cao nhất là 0,3 ‰, xuất hiện ngày 21/1, sau đó giảm dần.
Nằm tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, địa thế tỉnh Kiên Giang là một hệ thống hở, thấp, chịu tác động của chế độ thủy văn, bởi ba yếu tố: thủy triều vịnh Thái Lan, chế độ thủy văn của sông Hậu và mưa tại chỗ. Các yếu tố này tạo nên sự phức tạp trong môi trường, đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn từ biển Tây.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, tại thành phố Rạch Giá, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kênh Rạch Giá – Hà Tiên ra xa hơn. Các khu vực trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ.
Khu vực trồng rau ở phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm nhập đến kênh thủy lợi phía Nam. Riêng thành phố Hà Tiên, diện tích lúa vừa thu hoạch ở khu vực biên giới với Campuchia gần như phải phơi đất hoàn toàn vì không còn nước tưới tiêu do hạn và xâm nhập mặn.
Trưởng Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11-20/2/2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 2/2022.
Từ ngày 11-20/2, chiều sâu ranh mặn 1‰ có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 65-70km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 50 – 55km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên là 60 – 72km; sông Hậu là 55 – 60km; sông Cái Lớn là 25 – 30km.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này (11 – 20/2) có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 40 – 45km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 40 – 47km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 50 – 55km; sông Hậu là 40 – 45km; sông Cái Lớn là 20 – 25km.
Các đợt xâm nhập tăng cao ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 2-3/2023. Cụ thể từ 18 – 24/2, từ 18/3 – 25/3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 16/3 – 25/3, từ 17 – 24/4. Sang tháng 5, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương trong khu vực này cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.
Chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng, thiệt hại kinh tế – môi trường càng lớn.
Ngoài nguyên nhân chính, còn có các nguyên nhân khác tham gia tạo xâm nhập mặn tại khu vực trên như hiện tượng nóng lên toàn cầu tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu như nước biển dâng, tăng nhiệt độ đang diễn ra rất thường xuyên ở nhiều địa phương.
Lượng mưa và nhiệt độ làm thay đổi đáng kể tốc độ bổ sung nước ngầm cho các hệ thống tầng ngậm nước, gây ra quá trình xâm nhập mặn. Tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy trên hầu hết các sông, suối dẫn đến sự suy giảm dòng chảy nghiêm trọng, làm gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ quét, sạt lở bờ sông. Do ảnh hưởng của các quá trình nhân tạo, hoạt động thủy lợi và sử dụng phân bón hóa học…
Cùng với đó, do hoạt động kinh tế của con người, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm để phục vụ cho đời sống nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội cũng gây ra sự cạn kiệt nguồn nước. Hơn nữa, không có sự bổ sung cần thiết để bù lại lượng nước đã bị khai thác càng làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn… Xác định được nguyên nhân và những yếu tố ảnh hưởng, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… đã ban hành kế hoạch, đồng thời đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023.
Trước tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo, khẩn trương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam).
Các tỉnh, thành phố tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; khẩn trương thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao phân tán, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô. Đặc biệt, người dân lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái.
Các địa phương thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, dân sinh; chủ động sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục.
Về lâu dài, chính quyền và người dân địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn; điều chỉnh thời vụ sản xuất nông nghiệp theo vùng sinh thái; chủ động kế hoạch trữ nước, cấp nước; xây dựng hệ thống đê bao các công trình ngăn mặn ở các điểm trọng yếu; nâng độ che phủ rừng bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn; tuyên truyền cho người dân cách chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.