BVR&MT – Lệnh cấm buôn bán ngà voi trong thị trường nội địa đã được các quốc gia bỏ phiếu thông qua tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) diễn ra tại Hawaii vào đầu tháng 9 vừa qua với đa số phiếu tán thành. Đây là bước tiến mới, quan trọng trong công cuộc chấm dứt nạn săn bắt voi bất hợp pháp để lấy ngà.
Lệnh cấm này tuy không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các quốc gia có những chính sách, quy định để đóng cửa thị trường ngà voi nội địa. Điều này sẽ khiến các hoạt động buôn bán ngà voi trái phép không có cơ hội tồn tại.
“Cộng đồng bảo tồn thế giới đang từng bước hướng tới chấm dứt buôn bán ngà voi trên thị trường nội địa”. Ông Cristian Samper, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo tồn Hoang dã Quốc tế (WCS) nhấn mạnh.
Sau nhiều tranh cãi, lệnh cấm của IUCN cũng được các quốc gia bỏ phiếu thông qua vào ngày cuối cùng của hội nghị mặc dù một số quốc gia như Namibia, Nhật Bản, Nam Phi đã phản đối đề nghị này và cho rằng vẫn nên mở cửa cho thị trường ngà voi nội địa và có kiểm soát chặt chẽ hơn. Canada cũng phản đối với lập luận rằng lệnh cấm buôn bán ngà voi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán ngà hà mã và kỳ lân và ảnh hưởng tới những người dân bản địa. Trong khi đó, các đại biểu của Uganda, Cameroon, Kenya, Mỹ và Pháp đều tán thành và cho rằng lệnh cấm buôn bán ngà voi nội địa sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cuối cùng, đa số trong tổng số 217 đại diện các quốc gia thành viên IUCN cũng như các tổ chức bảo tồn đều ủng hộ lệnh cấm.
Theo ông Andrew Wetzler, phó giám đốc chương trình của Natural Resources Defense Council, cho biết đây là lần đầu tiên một cơ quan bảo tồn quốc tế đứng ra kêu gọi đóng cửa thị trường ngà voi nội địa. Sự kiện này mang tính bước ngoặt và hy vọng một kết quả tương tự sẽ diễn ra trong cuộc họp của Công ước Quốc tế về Buôn bán động vật hoang dã (Cites) diễn ra tại Johannesburg vào cuối tháng này.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy từ năm 2007 đến năm 2014, số lượng voi đồng cỏ Châu Phi đã giảm 8 % mỗi năm (tương đương 27.000 con voi đã bị giết). Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, khoảng 144.000 con voi (30%) của châu Phi đã biến mất.
Voi rừng châu Phi cũng đang phải vật lộn để tồn tại. Một nghiên cứu công bố năm 2013 cho thấy quần thể voi rừng đã giảm khoảng 62 % trong khoảng thời gian từ năm 2002 tới 2011. Thảm kịch của cả voi rừng và voi đồng cỏ Châu Phi đều do nạn săn bắt trộm voi để lấy ngà gây ra.
Theo ông Sanper, việc lệnh cấm thị trường ngà voi nội địa là tín hiệu cho những kẻ buôn bán ngà voi thấy rằng ngà voi là vô giá trị, và sẽ không còn thúc đẩy các hoạt động tội phạm săn bắn voi lấy ngà ở địa phương nữa.
“Đóng cửa thị trường ngà voi trong nước cũng sẽ ngăn chặn hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp trong vỏ bọc là các giao dịch hợp pháp, giúp các cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng hơn và các tập đoàn muốn thu lợi từ hoạt động thương mại động vật hoang dã bất chính cũng gặp nhiều khó khăn”- Ông Samper nói thêm.
Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký cam kết ban hành “lệnh cấm gần như hoàn toàn xuất nhập khẩu ngà voi, hạn chế kịp thời việc nhập khẩu ngà voi là các chiến lợi phẩm săn bắn và thực hiện từng bước quan trọng, kịp thời để ngăn chặn việc buôn bán ngà voi trong nước”. Và tháng 6/2016, Mỹ đã thông báo lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc buôn bán ngà voi. Mặc dù Trung Quốc đã không thực hiện bước cần thiết cuối cùng để đóng cửa thị trường ngà voi nước này, nhưng nước này cũng đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn các hành vi tội phạm liên quan đến buôn bán ngà voi. |
Bích Ngọc (Biên dịch)