BVR&MT – Một nhóm chuyển giao công nghệ mới, HCMUT Rapido, đã tận dụng các khả năng nghiên cứu của HCMUT để chế tạo một máy thở áp dụng IoT trong thời kỳ cao điểm của đại dịch ở Việt Nam.
Bất chấp những khó khăn do các lệnh hạn chế đi lại trong mùa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, các nhà khoa học của trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Australia) và các trường đại học đối tác ở Việt Nam vẫn phát huy tinh thần sáng tạo để tìm ra những cách thức mới cho việc triển khai dự án hợp tác giữa hai bên ở Việt Nam.
Dự án UTS Rapido Việt Nam “Công nghiệp 4.0 cho các hệ thống nước bền vững” nằm trong khuôn khổ Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation (Chương trình đổi mới sáng tạo hợp tác giữa Australia và Việt Nam) do Chính phủ Australia tài trợ, với mục đích trang bị cho các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Việt Nam kiến thức và công cụ để phát huy năng lực nghiên cứu, xây dựng các mô hình phù hợp và tạo ra các công nghệ sáng tạo dễ tiếp cận cho nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một mục tiêu chính của dự án là trình diễn mô hình chuyển giao công nghệ Rapido của trường UTS thông qua các hoạt động thí điểm áp dụng các công nghệ mới cho các hệ thống cấp nước ở hai vùng khác nhau của Việt Nam. Từ đó, các đối tác nghiên cứu hai nước sẽ phối hợp với nhau trong việc điều chỉnh mô hình này cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam để có thể áp dụng trên cả nước.
Tại vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên, các nhà nghiên cứu của UTS và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUT) đã phát triển một hệ thống giám sát môi trường nước biển ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực robotics, Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu và cơ điện tử.
Đây là một hệ thống giám sát đầu tiên thuộc loại này ở Việt Nam, và nằm trong số rất ít trên thế giới hệ có thể thực hiện các phép đo môi trường ngoài khơi theo thời gian thực trong các điều kiện khắc nghiệt như nước mặn ăn mòn và bão nhiệt đới theo mùa.
Tại đồng bằng sông Hồng, các hệ thống lọc nước với thiết kế cải tiến đang giúp tăng cường nước sinh hoạt cho các hộ gia đình và cộng đồng. Các nhà nghiên cứu của UTS và các đối tác sản xuất nước sạch sinh hoạt của Việt Nam đang hợp tác với Đại học Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Quốc gia Việt Nam (VNU-UET) để tích hợp công nghệ cảm biến vào các hệ thống mới lọc nước này.
Chia sẻ với Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sydney, Giáo sư Ian Burnett, Trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin của trường UTS, cho biết: “Việc chuyển giao hệ thống quan trắc môi trường nước biển và hệ thống lọc nước trong giai đoạn khó khăn này là minh chứng cho sự gắn kết sâu sắc giữa UTS và các đối tác tại Việt Nam thông qua các trung tâm nghiên cứu chung giữa UTS và VNU-UET ở Hà Nội và HCMUT ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với việc xử lý các thách thức mới trong môi trường đại dương và ô nhiễm nguồn nước ngầm, dự án cho thấy năng lực và lợi ích của công tác nghiên cứu định hướng thực hành của UTS không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.”
Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, Australia và nhiều nơi khác trên thế giới từ đầu năm đến nay đã gây những khó khăn không lường trước cho các hoạt động của dự án và sự hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước.
Tuy nhiên, theo giáo sư Burnett, dự án UTS Rapido Việt Nam nhanh chóng có những sự điều chỉnh và thậm chí còn tận dụng các hạn chế và trở ngại do đại dịch gây ra để tìm ra những cách thức mới cho việc hợp tác giữa các đối tác, và đồng thời thúc đẩy tính độc lập trong các nhóm nghiên cứu được thành lập tại Việt Nam.
Do lệnh đóng cửa biên giới quốc gia, các nhóm nghiên cứu từ UTS và các đối tác VNU-UET và HCMUT đã làm việc từ xa để lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động của dự án. Các nhóm ở Việt Nam cũng phải điều chỉnh cách thức làm việc do việc áp dụng các lệnh cấm đi lại trong nước và hạn chế tiếp cận các địa điểm dự án nằm cách xa các trung tâm đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhóm cũng đã phải thích nghi với “tình trạng bình thường mới,” phải điều chỉnh và trong một số trường hợp, thay đổi lịch làm việc và bàn giao sản phẩm, cũng như có nhiều cơ hội để đổi mới. Ví dụ như dự án đã tổ chức một hội thảo chuyển giao công nghệ trực tuyến ngay từ sớm, tận dụng nền tảng hội nghị trực tuyến và mạng truyền thông xã hội để mở rộng phạm vi đào tạo hơn so với kế hoạch ban đầu.
Một nhóm chuyển giao công nghệ mới, HCMUT Rapido, đã tận dụng các khả năng nghiên cứu của HCMUT để chế tạo một máy thở áp dụng IoT trong thời kỳ cao điểm của đại dịch ở Việt Nam.
Ngoài ra, HCMUT Rapido ĐHBK còn thực hiện các dự án bổ sung nhằm giảm tác động của đại dịch, từ các công cụ học tập trực tuyến cho thấy sự hữu ích của công nghệ 4.0 chống COVID-19, đến một máy ATM giúp đỡ những người gặp khó khăn về kinh tế do dịch, trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu giãn cách xã hội.
Giáo sư Eryk Dutkiewicz, Trưởng nhóm nghiên cứu UTS nhận xét: “Các nhóm nghiên cứu của Dự án UTS Rapido Việt Nam đã biết cách điều chỉnh cho phù hợp với các hạn chế chống dịch, thích nghi với tình trạng bình thường mới, cũng như khai thác các cơ hội để sáng tạo ra những cách làm mới ở cả Australia và Việt Nam. Thành công trong việc thích ứng với đại dịch để thực hiện các mục tiêu của dự án là nhờ có mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa các đối tác hai nước, được xây dựng trong nhiều năm qua.”
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Điệp, nghiên cứu viên của UTS cho biết: “Thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Việt Nam, chúng tôi đang đưa một mô hình phát triển và chuyển giao công nghệ sáng tạo vào trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam, bắt đầu từ các trường đại học và viện nghiên cứu”.