BVR&MT – Trong khi thế giới bị ám ảnh về đại dịch Covid-19, các ngành gây ô nhiễm đang chuyển cuộc khủng hoảng thành lợi thế, vận động hành lang các chính phủ để nhận được những ưu ái về lợi ích từ quỹ cứu trợ và chính sách nới lỏng các chế tài tốn kém.
Các ngành như dầu khí, than đá, hàng không và sản xuất ô tô mô tả các khoản cứu trợ là cần thiết để giảm đau kinh tế nhưng giới chuyên gia cho rằng những thay đổi thường khớp với lịch trình dài hạn của các công ty về việc giảm bớt chế tài và thuế môi trường hiện hữu, đồng thời chống lại các chế tài mới. Nói chung, các động thái này có nguy cơ sẽ tạo ra một di sản bẩn có hàm lượng carbon cao, vượt xa cuộc khủng hoảng hiện nay.
Edward Collins, Giám đốc nghiên cứu vận động hành lang doanh nghiệp thuộc tổ chức phi lợi nhuận InfluenceMap, London cho biết từ lâu các nhóm lợi ích dầu khí đã coi các chính sách môi trường – khí hậu là mối đe dọa tiềm tàng và nhanh chóng hướng khâu vận động hành lang vào đây. Ở Hoa Kỳ, những nỗ lực đó được đền đáp bằng việc tiếp cận hàng tỷ đô la công quỹ phục hồi đại dịch dưới hình thức giảm thuế, các khoản vay và miễn các khoản phí thường được tính cho việc khai thác tài nguyên trên đất công.
Các công ty nhiên liệu hóa thạch “đã sẵn sàng cho thời điểm khủng hoảng này… Vì vậy, khi một cơ hội như thế này xuất hiện, họ sẽ không để tuột mất.
Các ngành khác cũng gặt hái được lợi nhuận từ Covid-19. Dịch bệnh bùng phát khiến giới chức Hoa Kỳ đưa ra các đề xuất thay đổi nhằm giảm bớt hạn chế về khai thác gỗ, chăn thả, an toàn đường ống dẫn dầu và xử lý một số chất thải phóng xạ.
Không riêng Hoa Kỳ, những công ty gây ô nhiễm trên toàn thế giới cũng đang chiến thắng. Than đá được chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc thúc đẩy tài trợ. Tại Brazil, các nhóm khai thác gỗ, khai mỏ và các chủ trang trại bất hợp pháp cũng đang ồ ạt khai thác rừng mưa nhiệt đới Amazon.
Tại Washington, các công ty dầu khí đang ráo riết vơ vét quỹ cứu trợ đại dịch mặc dù gặp không ít rắc rối trước khủng hoảng, theo Lukas Ross, nhà phân tích chính sách cao cấp thuộc Friends of the Earth. “Các công ty này đang cố gắng thuyết phục bất cứ ai chịu lắng nghe rằng những rắc rối của họ bắt đầu vào giữa tháng 3 trong khi thực tế là sự sa sút có tính cơ cấu”, nhất là các công ty dầu đá phiến gặp khó khăn trong những năm gần đây vì khí tự nhiên đẩy giá xuống, buộc nhiều công ty phá sản. Các ông lớn như ExxonMobil và Chevron cũng vung tay quá trán, trả nhiều tỷ đô la cổ tức và mua vào cổ phần hơn mức có thể thu lại.
Chương trình cho vay trị giá 600 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang rõ ràng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt trước Covid-19 và có dấu hiệu chịu ảnh hưởng của ngành công nghiệp dầu mỏ với những thay đổi “tạo điều kiện cho những công ty lớn mắc nợ nhiều hơn có được những khoản vay này mà tiền đó lại từ người nộp thuế”, Ross phân tích. Giới vận động hành lang cũng đang thúc đẩy những thay đổi có lợi cho họ trong chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của Fed.
Thuế cũng là một trọng tâm lớn. Trong khi các công ty dầu khí Hoa Kỳ thu lớn từ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp năm 2017, các quyết định về khấu trừ lỗ – lãi sau đó đã chống lại họ. Gói cứu trợ đại dịch CARES trị giá 2 nghìn tỷ đô la đảo ngược cả hai quyết định này, cho phép khấu trừ nhiều hơn và có thể được hoàn thuế ngay lập tức. “Đó là cách bơm trực tiếp tiền mặt thông qua các thay đổi về mã số thuế”, theo Ross. Bloomberg News ước tính cho đến nay ít nhất 37 công ty dầu mỏ đã được trả 1,9 tỷ đô la.
Một lĩnh vực sinh lợi khác là trợ giúp tiền cấp quyền qua việc bỏ qua các khoản phí mà công ty phải trả để có quyền khoan dầu và khai thác trên đất công. Cục Quản lý đất đai liên bang Hoa Kỳ tạm thời giảm tiền cấp quyền cho hơn 75 hợp đồng ở Utah, thậm chí một số chỉ còn 2,5% giá trị dầu so với mức tiêu chuẩn là 12,5%, đồng thời cho phép các hợp đồng khoan dầu ở bang Utah dừng thanh toán tiền thuê đất trong khi vẫn áp tiền thuê cho các hoạt động năng lượng mặt trời và gió. Ross cho biết các chính sách này tạo rất nhiều đòn bẩy cho ngành dầu khí nhưng gây ra hậu quả nguy hiểm cho khí hậu.
Điều đáng nói là chính quyền của tổng thống Trump coi đại dịch như một lý do căn bản để thúc đẩy chương trình nghị sự đi ngược các chế tài như: dừng thực thi các quy định về ô nhiễm không khí và nước; sửa đổi đạo luật nước sạch khiến các bang khó ngăn chặn các dự án năng lượng hơn; từ bỏ đạo luật về các loài nguy cấp và các yêu cầu đánh giá môi trường đối với các dự án khai mỏ, đường ống dẫn dầu, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng.
Nhà báo Amy Westervelt – người dẫn chương trình podcast Drills theo dõi các khoản cứu trợ cho biết: “Chỉ toàn là thúc đẩy ưu đãi. Các dự án đường ống dẫn dầu đầy tranh cãi nhận được giấy phép rất nhanh” và các kế hoạch dài hạn khác cũng triển khai nhanh chóng. Hơn 80 dự án phát triển được giảm bớt các quy tắc an toàn đường ống cũng như được phê duyệt như đường ống dẫn khí dài 800 dặm ở North Slope thuộc Alaska và dự án khoan dầu tại Carrizo Plain National Monument thuộc vùng đồng cỏ California.
Ngành nhựa lâu nay tìm cách đình chỉ hoặc đảo ngược lệnh cấm của địa phương và nhà nước đối với nhựa sử dụng một lần thì đang muốn tận dụng cơ hội đại dịch để thực hiện điều đó. Cho đến nay, tất cả các lệnh đình chỉ luật cấm túi nhựa chỉ là tạm thời, theo ủy viên pháp lý Jennie Romer cho Sáng kiến chống ô nhiễm nhựa thuộc Surfrider Foundation. “Chúng tôi biết ngành nhựa đang cố gắng để đảo ngược vĩnh viễn. California đã đình chỉ lệnh cấm túi nhựa trong 60 ngày trong khi Maine, Oregon và New York trì hoãn thời điểm bắt đầu cấm”.
Tất nhiên, việc chính phủ hào phóng với các công ty gây ô nhiễm không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Bất chấp kế hoạch cho Thỏa thuận xanh mới và cam kết chấm dứt tài chính công đồ vào than, đầu năm nay Hàn Quốc cho một công ty xây dựng điện than lớn vay khẩn cấp 2 tỷ đô la – một động thái bị giới phân tích cho rằng nước này tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than mới trên khắp Nam Á và Đông Nam Á.
Theo Lauri Myllyvirta, Trưởng nhóm phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch tại Helsinki, điều đáng lo ngại là giới chức cấp tỉnh ở Trung Quốc đều muốn tạo công ăn việc làm thông qua việc xây thêm công trình mới. Đầu năm nay, khoảng 100 GW công suất điện than – khoảng 190 nhà máy – đang được xây dựng tại Trung Quốc. Cuối tháng 5, giới chức đã công bố hoặc cấp phép bổ sung cho khoảng 40 GW – một sự tăng tốc đáng kể so với năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 3, số giấy phép điện than được cấp nhiều hơn cả năm 2019 cộng lại.
Hoạt động gây nguy hiểm cho khí hậu cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro không ngừng thúc đẩy việc khai thác thương mại lớn hơn trong rừng Amazon. Vào tháng 5, Bộ trưởng môi trường nước này mô tả đại dịch là một cơ hội để “vượt qua và thay đổi tất cả các quy tắc” trong khi các phương tiện truyền thông “chỉ nói về Covid”.
Thông điệp gửi đến những người tìm kiếm lợi nhuận ở Amazon rất rõ ràng. Chuyên gia Alencar chỉ rõ: “Chính phủ không muốn chống lại sự bất hợp pháp”. Phá rừng Amazon đã tăng 55% trong bốn tháng đầu năm so với năm 2019 – năm ở mức cao nhất trong 11 năm theo thôn tin từ Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia
Ở châu Âu, nơi chương trình cắt giảm carbon Green Deal cũng đang là mục tiêu lớn nhất của giới vận động hành lang mặc dù kết quả từ sức ép dữ dội của họ vẫn chưa rõ ràng.
Thay đổi cụ thể tùy theo ngành nhưng chủ yếu tập trung vào việc phản đối hoặc làm chậm các chế tài hoặc thuế môi trường mới và tìm cách làm suy yếu quy định hiện hành. Các hãng hàng không chống đối thuế nhiên liệu máy bay. Các tập đoàn nông nghiệp muốn làm chậm sáng kiến Farm to Fork (thuộc Thỏa thuận xanh) về tính bền vững của thực phẩm. Cho đến nay, giới vận động hành lang châu Âu thu được ít thành công hơn nhiều các đối tác ở Hoa Kỳ nhưng vẫn có thể giành chiến thắng khi đề xuất được chấp thuận và Liên minh châu Âu thực hiện gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro.
Covid-19 liệu có đưa thế giới vào con đường có hàm lượng carbon cao hay sạch hơn phụ thuộc vào lựa chọn mà các nhà lãnh đạo đưa ra hiện nay, Myllyvirta nói. Tại một thời điểm khi có quá nhiều thứ xuất hiện, “điều duy nhất là [cuộc khủng hoảng] sẽ thay đổi các xu hướng và quỹ đạo”.
Thế Anh (Theo 360 Yale Environment)