BVR&MT – Báo cáo bao quát nhất về nguồn tài trợ của các ngân hàng toàn cầu cho nhiên liệu hóa thạch “Banking on Climate Chaos: Fossil Finance Report 2022” cho thấy 60 ngân hàng trên thế giới đã tài trợ 4,6 nghìn tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2016, và 742 tỷ USD chỉ trong năm 2021.
Báo cáo do Mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới, Tổ chức BankTrack, Mạng lưới môi trường bản địa, các tổ chức Oil Change International, Reclaim Finance và Sierra Club thực hiện với sự thông qua của 500 tổ chức toàn cầu.
Theo báo cáo, bất chấp tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động, các ngân hàng đã không có các hành động thiết thực để ngăn chặn khủng hoảng khí hậu mà còn rót vốn hàng trăm tỷ cho các công ty than, dầu, khí đốt hàng năm, đi ngược lại với các cam kết cắt giảm phát thải, đặc biệt là các ngân hàng lớn ở Mỹ.
JPMorgan Chase là ngân hàng đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực này, với 382 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2021. Các vị trí tiếp theo là ngân hàng Citi, Well Fargo, Bank of America với khoản đầu tư nhiên liệu hóa thạch lần lượt là 285, 272, 232 triệu USD cùng kỳ. Chỉ riêng 4 ngân hàng này đã chiếm 25% nguồn tài trợ nhiên liệu hóa thạch từ 60 ngân hàng toàn cầu.
Royal Bank of Canada đã rót 201 tỷ USD vào ngành nhiên liệu hóa thạch, trở thành ngân hàng đứng thứ 5 trên toàn cầu đầu tư vào ngành này năm 2021 kể từ khi có Thỏa thuận Khí hậu Paris. Trong số các dự án mà ngân hàng này tài trợ có đường ống dẫn khí Coastal GasLink gây khủng hoảng khí hậu và làm tổn thương người bản địa Wet’suwet’en.
MUFG của Nhật Bản là ngân hàng đứng đầu ở châu Á trong đầu tư cho khai thác cát dầu, dầu khí ngoài khơi và nhiên liệu hóa thạch kể từ Thỏa thuận Paris, với trị giá 181 tỷ USD.
Ngân hàng Barclays của Anh tiếp tục là một trong những ngân hàng đầu tư nhiên liệu hóa thạch lớn nhất châu Âu khi đổ 167 tỷ USD đầu tư cho các ngành gây trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu kể từ Thỏa thuận Paris. Không chỉ vậy, ngân hàng Barclays còn là nhà tài trợ hàng đầu của Anh về khai thác cát dầu, dầu khí ở Bắc Cực và khí đá phiến.
Thùy Dung