BVR&MT – Nhiều địa phương đã tiến hành quản lý, xử lý rác cồng kềnh trước khi thực hiện quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025, tuy nhiên đây là bài toán nan giải, đặc biệt với các đô thị lớn.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn cồng kềnh bao gồm vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây có kích thước lớn, quá khổ quy định.
Nhiều địa phương đã tiến hành quản lý, xử lý rác cồng kềnh trước khi thực hiện quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025.
Tuy nhiên công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn cồng kềnh đang là thách thức, đặc biệt với các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Những con số báo động
Khái niệm rác cồng kềnh đã được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật như tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020; Hướng dẫn chi tiết tại Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tháng 11/2023…
Nhiều địa phương có riêng một văn bản quy định về rác cồng kềnh. Đặc biệt, rác cồng kềnh cũng là một trong những loại bắt buộc phải được phân loại từ 1/1/2025.
Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, khu vực ven sông, hay tại các bãi đất trống rất dễ bắt gặp những bãi rác cồng kềnh tự phát trên vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Rác thường được bỏ vào đêm tối, sáng sớm hoặc buổi trưa, thời điểm vắng người. Nhiều nơi mặc nhiên trở thành điểm tập kết rác cồng kềnh.
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Chỉ tính riêng 5 quận do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị (URENCO) phụ trách, lượng rác cồng kềnh chiếm khoảng 25-30 tấn/ngày, tương đương mỗi quận 5-6 tấn/ngày (ước bình quân 2-3 tấn/ngày/đơn vị quận, huyện trên cả nước).
Nếu nhân 705 đơn vị quận huyện trên cả nước với bình quân 2-3 tấn/quận, huyện sẽ cho ra con số 1.410-2.115 tấn rác thải cồng kềnh/ngày.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, rác cồng kềnh, rác thải xây dựng chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt; đồng nghĩa mỗi ngày Thành phố thải ra 10.000 tấn rác thì có khoảng 2.000 tấn rác cồng kềnh.
Cùng tình trạng trên với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương cũng đang nghĩ cách “đối phó” với rác thải cồng kềnh, nhất là dịp cuối năm.
Đây là thời điểm nhiều gia đình thay nội thất cũ để đón Tết; hay nhiều gia đình vứt bỏ các gốc đào, chậu quất lớn, cành đào rừng quá khổ…
Nhiều địa phương đã xây dựng, ban hành văn bản quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Hướng dẫn Phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có dành các khoản, mục quy định chi tiết đối với rác cồng kềnh.
Quy định của mỗi địa phương có những điểm khác nhau, nhất là với phương thức thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý và bố trí ngân sách.
Các loại chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh tại Thái Nguyên sau được tháo vẫn có kích thước lớn, hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển đến địa điểm tập kết, trạm trung chuyển do Ủy ban Nhân dân cấp xã quy định hoặc tự thỏa thuận chi phí với đơn vị thu gom, vận chuyển để cung cấp dịch vụ thu gom tại nguồn.
Cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh được thanh toán giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hợp đồng đã ký kết.
Ủy ban Nhân dân huyện được lựa chọn hình thức thu giá trên địa bàn địa phương áp dụng đối với chủ nguồn thải thông qua thể tích thiết bị; xác định khối lượng hoặc các hình thức phù hợp…
Tại Đồng Nai, chủ nguồn thải phải liên hệ với tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải để thỏa thuận chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân theo quy định hoặc bố trí nơi lưu giữ.
Cùng với ban hành “Quy định phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh,” tỉnh Khánh Hòa đã niêm yết công khai số điện thoại, giá, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh để người dân biết, liên hệ khi có nhu cầu.
Sóc Trăng cũng đã xây dựng quy định riêng về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh không giao huyện xây dựng đơn giá mà chủ nguồn thải có trách nhiệm tự thỏa thuận giá dịch vụ với cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh.
Kỳ vọng từ những mô hình thí điểm
Tháng 9/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao các công ty dịch vụ công ích quận, huyện xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh; xây dựng đơn giá và xử lý sau thu gom.
Để người dân tiếp cận được dịch vụ dễ dàng, thuận lợi, các đơn vị liên quan công bố cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom. Theo đó, rác cồng kềnh được xử lý như rác thải sinh hoạt, người dân phải trả phí dịch vụ tháo rời, thu gom từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với đơn vị cung ứng dịch vụ.
Chủ động trong việc hướng dẫn, tạo thói quen cho người dân xử lý rác cồng kềnh, quận Phú Nhuận triển khai chương trình “Mang rác ra phường.”
15 điểm tiếp nhận rác cồng kềnh tại 13 phường được Ủy ban Nhân dân các phường thông báo rộng rãi đến người dân. Rác được tiếp nhận miễn phí vào ngày thứ Bảy tuần thứ 2 mỗi tháng. Người dân có thể tra cứu thông tin điểm tiếp nhận rác trên Internet.
Khi đạt được mức thỏa thuận chung, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu giá đồng loạt đối với chủ thải rác cồng kềnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam Nguyễn Hữu Tiến cho rằng cách làm của quận Phú Nhuận sẽ tốt hơn nếu vừa làm vừa đẩy mạnh tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền về phân loại rác nói chung, rác cồng kềnh nói riêng phải đến được với từng nhà, từng người, gắn thiết thực với từng hoàn cảnh.
Đơn vị xử lý rác cũng phải vận động để sẵn sàng đón nhận nhu cầu của người dân. Rác có thể cồng kềnh nhưng công tác quản lý, xử lý rác nhất định không được cồng kềnh.
Từ tháng 6/2024, tại 23 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn. Hiện, các phường đã chủ động bố trí các điểm tập kết rác cồng kềnh, tạo tiền cho việc phân loại rác đồng loạt trên toàn thành phố.
Cụ thể, quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại 2 phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa tại phường Nam Đồng.
Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên môi trường đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị thu gom, xử lý rác cồng kềnh bằng xe chuyên dụng, đưa về Khu xử lý chất thải Cầu Diễn để xử lý và tái chế.
Trong thời gian thí điểm, Công ty thu gom rác thải cồng kềnh theo hai hình thức: người dân mang rác thải cồng kềnh tới điểm tập kết theo quy định hoặc gọi điện theo số hotline, đơn vị sẽ đến tận nhà thu gom hoàn toàn miễn phí.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Chi nhánh Cầu Diễn đã đề xuất phương án phương án xử lý chất thải cồng kềnh trên nguyên tắc triệt để thu gom, phân loại; tối đa tái chế; tiết giảm chi phí; tạo thuận lợi nhất cho chủ nguồn thải.
Theo đó rác cồng kềnh sẽ được xử lý tuần tự theo quy trình: Người dân, hộ kinh doanh khi có nhu cầu thải bỏ rác cồng kềnh mang ra điểm tập trung theo quy định của Ủy ban Nhân dân phường hoặc mang trực tiếp đến Khu xử lý chất thải tại Chi nhánh Cầu Diễn.
Nếu số lượng nhiều, có thể liên hệ trực tiếp với Chi nhánh để được hỗ trợ thu gom từ nguồn.
Tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, rác cồng kềnh được phân tách thành các sản phẩm riêng biệt theo chủng loại thủy tinh, kim loại, da, cao su…cung cấp cho cơ sở tái chế.
Riêng gỗ sẽ được cắt, nghiền nhỏ làm nguyên liệu sản xuất viên đốt hữu cơ cung cấp cho đơn vị mua nguyên liệu. Đối với chất thải rắn cồng kềnh vô chủ, Chi nhánh Cầu Diễn báo cáo chủ đầu tư kiểm tra xác nhận trước khi vận chuyển.
Quá trình tiếp nhận, công nhân sẽ dùng công cụ, dụng cụ phá dỡ sơ bộ, bốc xếp chuyển lên xe tải, sắp xếp gọn gàng đảm bảo thể tích xe vận chuyển tối đa.
Hiện, Chi nhánh bố trí xe tải trên 5 tấn để thu gom, vận chuyển. Với quy trình thu gom, xử lý mới này, đường đi của rác thải cồng kềnh đã thay đổi, từ một loại phế thải, giờ chúng trở thành một nguồn tài nguyên với thể tích nhỏ gọn, một vòng đời mới, công năng sử dụng mới.
Ông Lê Quân, Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, cho biết đơn vị đã trang bị chủng loại xe riêng phục vụ công tác thu gom rác cồng kềnh, đồng bộ trang bị dụng cụ tháo dỡ tại điểm tiếp nhận, phân công công nhân phụ trách; đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng thu gom, xử lý, vận chuyển đối với rác cồng kềnh cho công nhân.
Ông Lê Quân nhấn mạnh với phương châm “biến cồng kềnh thành nhỏ gọn,” Chi nhánh đặc biệt quan tâm đến việc trang bị kỹ năng tiếp nhận thông tin, hợp tác, phối hợp với chủ nguồn thải.
Qua đó văn minh hóa công tác quản lý, xử lý rác cồng kềnh bằng những kỹ năng mềm của công nhân, hướng đến mục tiêu khơi thông mọi nguồn lực để nâng hiệu quả thu gom, xử lý rác cồng kềnh trên nguyên tắc công bằng trách nhiệm, quyền lợi, cùng hợp tác vì trách nhiệm chung, lợi ích chung./.