BVR&MT – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng một số giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh trồng trọt.
Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ dân áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, qua đó hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí sản xuất và bảo vệ thiên địch có ích trên đồng ruộng. Trong quá trình canh tác lúa, trồng rau màu và cây ăn trái…, nhiều hộ dân ở Cà Mau được khuyến cáo áp dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm hoặc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến cáo các hộ dân áp dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, để giảm thiểu tổn thất và ô nhiễm lương thực, tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất độc hại để bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Trần Thức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho hay, tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón của các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời giám sát hoạt động sản xuất mà chủ yếu là vấn đề khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có đúng theo quy định. Qua đó, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất làm ra sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế thấp nhất các trường hợp ngộ độc thực phẩm ở địa phương.
Nhờ thường xuyên tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức và nắm vững quy trình kỹ thuật trồng trọt nên đã giúp nhiều hộ dân ở Cà Mau nhận thấy rõ về tác hại, hậu quả từ việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón quá mức cần thiết. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40% hộ dân áp dụng các biện pháp sản xuất hàng hóa nông sản ”sạch” theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển thêm nhiều diện tích trồng rau, cây ăn trái theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, nhằm để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Riêng gần 50 ha diện tích trồng rau màu, dưa hấu được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cũng sẽ được Cà Mau duy trì phát triển mô hình sản xuất theo hướng ổn định năng suất, chất lượng; qua đó tiếp tục khẳng định thương hiệu, giá trị hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản ”sạch” của tỉnh Cà Mau.