BVR&MT – Tổ chức chống buôn lậu động vật hoang dã Freeland tin rằng việc buôn bán hổ được điều hành bởi “Tiger Queens” (“Những nữ hoàng hổ”) trên khắp khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh số lượng hổ trong tự nhiên chỉ còn chưa đầy 4.000 cá thể.
Tương tự như series phim tài liệu “Tiger King” trên Netflix, “Tiger Queens” ngầm chỉ các cơ sở gây nuôi hổ hợp pháp ở Đông Nam Á (tập trung chủ yếu tại Lào và Thái Lan) thường núp bóng dưới hình thức du lịch và bảo tồn. Trên thực tế, nhiều trại nuôi hổ tuy được đăng ký và quảng cáo là “sở thú” nhưng không nhận du khách hoặc chỉ làm như vậy để che đậy động cơ kiếm lời thực sự: buôn bán các bộ phận từ hổ.
Tiến sĩ Mark Jones thuộc Tổ chức Từ thiện Phúc lợi Động vật Quốc tế (Born Free) ước tính có hơn 8.300 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trên khắp Đông Nam Á và Đông Á trong khi con số này tại Hoa Kỳ là 5.000 cá thể. Theo Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), hiện có khoảng 6 cơ sở nuôi nhốt hổ ở Lào liên quan đến buôn bán các sản phẩm từ hổ. Các tổ chức tội phạm đa quốc gia đã lợi dụng kẽ hở trong việc thực thi pháp luật yếu kém và tham nhũng để kiếm lợi từ việc buôn bán các loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo nhà sáng lập Freeland Steve Galster, do việc thực thi pháp luật được tăng cường và vấn đề buôn bán động vật hoang dã được quan tâm nhiều hơn nên những người trung gian ở Lào quyết định xây dựng cơ sở gây nuôi động vật hoang dã để đạt hai mục tiêu. “Thứ nhất, tạo ra các kênh “rửa” động vật hoang dã bằng cách mọi động vật bị buôn lậu qua biên giới từ Thái Lan sang Lào sẽ được làm giả thủ tục để chuyển thành các loài được nuôi hợp pháp trong các trang trại ở Lào. Thứ hai, các trang trại tại Lào tự gây nuôi động vật hoang dã để bớt phụ thuộc vào các nhà cung ứng không đáng tin cậy từ Thái Lan – những người đã bị bắt quả tang buôn bán động vật hoang dã hoặc tăng giá bán để bù đắp cho những nỗ lực “lách luật”của họ”. Công viên và Trang trại Hổ Mukda nằm ở phía đông bắc Thái Lan, gần biên giới Lào là một trong những cơ sở hoạt động theo phương thức này. Thông tin tình báo từ Freeland cho thấy Mukda có khoảng 30 cá thể hổ vào mùa hè năm 2020 và sẽ vận chuyển các cá thể hổ con còn sống cùng hổ trưởng thành qua biên giới. Trong một cuộc truy quét của các nhà chức trách vào tháng 12/2020, 6 xác hổ và 01 đầu hổ bị cắt rời đã được tìm thấy tại hiện trường. Phân tích ADN cho thấy có 3 cá thể hổ có thể đã bị nhập lậu từ nơi khác do không có mối quan hệ huyết thống với những cá thể còn lại. Theo Galster, những người chủ trang trại tuyên bố họ giữ xác của 6 cá thể hổ để nhồi xác – một hành động được cho là hợp pháp theo luật pháp Thái Lan.
Một công ty khác có tên Vannaseng cũng liên kết với một trang trại hổ và một trang trại khỉ gần thủ đô Viêng Chăn, Lào, trong đó giám đốc công ty này, theo Freeland, là con dâu của Tổng cục trưởng Hải quan Lào. Tờ The Guardian đưa tin vào năm 2014, công ty này từng được chính phủ Lào cấp phép vận chuyển 20 tấn da hổ, xương và móng vuốt trị giá khoảng 1,2 triệu USD. Vannaseng đã không trả lời yêu cầu bình luận từ báo chí về bản chất hoạt động kinh doanh và tình trạng của các cơ sở chăn nuôi.
Gần đây, EIA cũng phát hiện một doanh nghiệp Trung Quốc ở Viêng Chăn quảng cáo các sản phẩm từ xương hổ trên WeChat dù trước đó chính doanh nghiệp này đã phát hành một blog với tiêu đề: “Điều quan trọng hơn bao giờ hết là chấm dứt buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp” .
Quay trở lại vấn đề ở Lào và Thái Lan. Mặc dù cả hai đều là thành viên của Công ước CITES từ lâu nhưng nhiều ý kiến cho rằng có những kẽ hở không thể chấp nhận trong hệ thống luật pháp của cả hai về phòng chống buôn bán động vật hoang dã. Một báo cáo từ Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) từ 2019 cho thấy việc cấp phép nuôi và vận chuyển hổ ở hai quốc gia tương đối dễ dàng và không có điều khoản nào để ngăn chặn các sản phẩm buôn bán có chứa hổ.
Báo cáo “On the Butcher’s Block – Đường mòn thương mại hổ Mê Kông” cũng phơi bay bản chất của các đặc khu kinh tế trong khu vực như Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng (GTSEZ) thuộc Lào nhưng trên thực tế do một công ty Trung Quốc quản lý. GTSEZ do công ty Kings Roman Group có đăng ký tại Hồng Kông điều hành với hợp đồng thuê 99 năm do chính phủ Lào cấp nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vì liên quan đến hoạt động bất hợp pháp bao gồm buôn bán ma túy, buôn người và sản phẩm động vật (như gấu đen châu Á, tê tê, hổ, tê giác và voi). Tại khu vực này, đồng tiền được chấp nhận là đồng Nhân dân tệ và bên ngoài các đường phố thường được an ninh Trung Quốc tuần tra. Debbie Banks từ EIA gọi các đặc khu kinh tế này là “các hoạt động do Trung Quốc điều hành tạo ra các khu vực phi luật pháp, nơi tội phạm về động vật hoang dã có thể xảy ra” và cho rằng có ít nhất 2 cơ sở với hàng chục con hổ trong khu vực trong khi các sản phẩm như rượu cao hổ có thể dễ dàng tiếp cận.
Các trang trại hổ là một phần của hoạt động buôn bán hổ rộng lớn hoạt động trong nhiều thế kỷ dựa trên nhu cầu về các bộ phận hổ ở Đông Nam Á và Đông Á và được sử dụng chủ yếu cho các bài thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.
“Ở Việt Nam, xương hổ được đun sôi thành một chất giống như keo để làm cao hổ cốt. Ở Trung Quốc, chúng được sử dụng theo hai cách chính là nghiền thành bột để sử dụng trong y học cổ truyền hoặc ngâm trong rượu gạo để làm rượu xương hổ” – bà Debbie Banks, lãnh đạo chiến dịch liên quan đến tội phạm về hổ và động vật hoang dã thuộc EIA cho biết. Sự mở rộng của các tầng lớp trung lưu ở cả hai quốc gia này ngày càng làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm từ hổ.
Theo Galster, ở đâu có buôn bán bất hợp pháp, ở đó chắc chắn có gian lận. Khi hổ ngày càng khó để săn trộm và khi các quốc gia như Thái Lan và Trung Quốc thắt chặt hạn chế buôn bán, các nhà bảo tồn bắt đầu tìm thấy các bộ phận của sư tử trong các lô hàng bị bắt giữ, được cho là để thay thế cho các bộ phận hiếm hơn của hổ.
Vụ bắt giữ hàng cấm trên đường từ Nigeria đến Việt Nam vào tháng 1/2021 đã gây sốc về quy mô của hoạt động buôn bán động vật hoang dã khi cơ quan Hải quan Nigeria phối hợp với Lực lượng Biên phòng Anh ngăn chặn một lô hàng gồm 10 tấn ngà, xương và vảy được cho là của 709 cá thể voi, 11 cá thể sư tử và 10.658 cá thể tê tê. Nhu cầu tiêu thụ lớn từ Việt Nam và Trung Quốc cùng sự hoành hành của băng nhóm tội phạm ở Lào và Thái Lan đã tạo sức ép nghiêm trọng lên quần thể hổ đến mức các bộ phận của sư tử vốn dễ kiếm hơn ở châu Phi được sử dụng thay thế cho các bộ phận từ hổ để đáp ứng thị trường.
Một báo cáo từ năm 2017 của Born Free có tiêu đề “Lợi nhuận đến trước bảo tồn” cho biết Nam Phi là nước xuất khẩu xương và bộ xương sư tử lớn nhất đến vùng viễn Đông với 98% xác sư tử được chuyển đến Việt Nam hoặc Lào từ năm 2008 đến 2015.
Các tổ chức buôn bán động vật hoang dã vốn liên kết mật thiết với các trang trại ở Lào và Thái Lan sẽ cử các đại lý tìm nguồn cung ứng đến Nam Phi để mua xác sư tử. Họ sẽ mua xác sư tử săn được với giá 1.000 USD, rẻ hơn khoảng 25 lần so với bộ xương của hổ trưởng thành. Các nhà bảo tồn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về số lượng sư tử ở châu Phi được cho là đã giảm một nửa xuống còn 25.000 cá thể kể từ năm 1994.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhấn mạnh sự tồn tại của các trang trại hổ làm suy yếu nỗ lực thực thi lệnh cấm buôn bán các sản phẩm từ hổ. Và điều này cần phải dừng lại trước khi thế giới mất thêm nhiều cá thể hổ cũng như các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngọc Hiền (The Independent)