BVR&MT – Dữ liệu do các nhà nghiên cứu thuộc Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (GI-TOC) thu thập cho thấy hoạt động buôn bán bất hợp pháp báo săn hay còn gọi là báo gê-pa (Acinonyx jubatus) vẫn tiếp diễn giữa khu vực Đông Phi và bán đảo Ả Rập, dù các báo cáo tin tức cho biết nạn buôn lậu báo con đã giảm đáng kể.
Theo nhóm nhà nghiên cứu, các tổ chức tội phạm quốc tế có trụ sở tại Ethiopia, Djibouti, Puntland, Somaliland, Yemen, Ả Rập Xê Út, Oman và UAE đã điều chỉnh hoạt động buôn bán trái phép để tránh các hành động thực thi pháp luật và tiếp tục tìm kiếm những cá thể báo gê-pa từ tự nhiên để xuất khẩu, phần lớn đều không bị cản trở. Các báo cáo về việc những cá thể báo con được chào bán cho các công dân và cư dân của các quốc gia vùng Vịnh được ghi nhận gần như mỗi tuần.
Thống kê cho thấy từ năm 2019 đến năm 2021, Đông Phi và các khu vực bán đảo Ả Rập chiếm 98% tổng số loài báo gê-pa sống được ghi nhận trong các vụ buôn bán bất hợp pháp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, chỉ 16% tổng số báo gê-pa bị buôn bán bất hợp pháp được hồi phục. Con số này khá đáng lo ngại vì báo gê-pa hoang dã ở các khu vực Đông Phi thường sống thành các quần thể nhỏ và biệt lập.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng buôn bán trái phép báo gê-pa gia tăng đặc biệt liên quan đến hành động của Công ước CITES. Trong Hội nghị các bên lần trước, dựa trên dữ liệu không đầy đủ, CITES xác định rằng buôn bán báo gê-pa đã được hạn chế và đồng ý xóa bỏ các quyết định quan trọng được thông qua trong những năm trước liên quan đến việc thực thi và giảm cầu loài động vật này.
Điều đáng lưu ý là hầu hết các vụ tịch thu đều diễn ra ở Somaliland, một tuyến đường buôn bán chính do có đường bờ biển dài đối diện với Yemen. Kể từ năm 2011, khu tự trị tự xưng của Somalia này đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tuy nhiên, là một quốc gia không được quốc tế công nhận, nước này thiếu sự hỗ trợ cần thiết để đối mặt với không chỉ nạn buôn lậu động vật hoang dã mà còn nhiều thách thức khác bao gồm đói nghèo và biến đổi khí hậu. Các vấn đề tương tự mà Puntland ở phía bắc Somalia, khu vực Somali của Ethiopia, Djibouti và các tuyến đường buôn lậu khác đi vào bán đảo Ả Rập cũng phải đối mặt.
Không giống như hoạt động buôn lậu báo gê-pa thường được vận chuyển bằng thuyền vào bán đảo Ả Rập, nhiều loài khác tiếp tục đi vào các quốc gia vùng Vịnh mà không bị cản trở, chẳng hạn như tinh tinh, đười ươi và vượn. Những động vật này sống ở những nơi xa hơn và có thể được vận chuyển bằng đường hàng không. Do đó, cần thúc đẩy thực thi pháp luật mạnh mẽ tại các khu vực xuyên biên giới, sân bay, bến cảng cũng như các chiến dịch hiệu quả nhằm nỗ lực giảm cầu.
Vật nuôi kỳ lạ được coi là một biểu tượng địa vị ở các quốc gia vùng Vịnh. Chủ sở hữu thường đăng tải các bức ảnh và video về những con vật cưng kỳ lạ trên các tài khoản mạng xã hội mà một số trong số đó có tới hàng triệu người theo dõi. Những người theo dõi nhiều khi không hiểu rằng hầu hết những vật nuôi này đều bị mua lại một cách bất hợp pháp và xu hướng này sẽ không dừng lại. Do đó, chỉ với những nỗ lực hợp tác quốc tế cùng sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa mới có thể giúp giảm nạn buôn bán và giúp các loài tránh được nguy cơ tuyệt chủng.
Ý Nhi (Theo Mongabay)