BVR&MT – Sự hiện diện và vai trò của Trung Quốc đối với buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á và Châu Phi đã được củng cố vững chắc và được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, vai trò của nước này đối với buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp động vật hoang dã ở Mexico thì nhỏ hơn và ít được biết đến. Đặc biệt, nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã sang thị trường Trung Quốc từ Mexico có liên hệ chặt chẽ với buôn bán ma túy, rửa tiền và chuyển đổi giá trị giao dịch của giới tội phạm.
Đó là nhận định từ Báo cáo China-linked Wildlife Poaching and Trafficking in Mexico (Tạm dịch: Săn bắn và buôn lậu động vật hoang dã liên quan đến Trung Quốc ở Mexico) do Tổ chức Brookings Institution xuất bản tháng trước.
Theo Báo cáo, buôn bán động vật hoang dã từ Mexico sang Trung Quốc đang gia tăng, làm trầm trọng hóa mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của Mexico vì trước đó, săn bắt động vật hoang dã vốn đã tồn tại ở nước này để cung cấp cho các thị trường khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Do các nhóm tội phạm Mexico thường kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn, trở thành “vùng cấm” đối với chính quyền và những người bảo vệ môi trường, việc xác định được mức độ săn bắt, khai thác gỗ trái phép và buôn bán động vật hoang dã ở Mexico bị hạn chế. Tuy nhiên, có vẻ như mức độ săn bắn và buôn lậu động vật hoang dã, bao gồm cả sang Trung Quốc, lớn hơn mức thường thấy.
Các loài động vật trên cạn và dưới biển, cũng như gỗ, được khai thác bất hợp pháp ở Mexico cho các thị trường Trung Quốc ngày càng đe dọa đa dạng sinh học của Mexico. Các loài thường bị săn trộm ở Mexico và buôn lậu sang Trung Quốc, đôi khi qua Mỹ, là bò sát, hải sâm, cá totoaba, bào ngư, cá mập, báo đốm, và các loài gỗ trắc.
Hoạt động buôn bán động vật hoang dã hợp pháp từ Mexico sang Trung Quốc, chẳng hạn như hải sâm và da cá sấu, tạo vỏ bọc cho hoạt động “rửa” động vật bị săn trộm. Đánh bắt bất hợp pháp chiếm tỷ lệ đáng kinh ngạc trong sản lượng cá của Mexico, nhưng ngay cả đánh bắt và xuất khẩu hợp pháp cũng bị lợi dụng, trở thành kênh để đưa các sản phẩm bất hợp pháp sang Trung Quốc.
Việc buôn bán hợp pháp động vật hoang dã cũng tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm Mexico do sản phẩm động vật hoang dã được sử dụng để chuyển đổi giá trị giao dịch cho thương nhân Trung Quốc và nhận lại tiền chất của các loại ma túy bất hợp pháp như fentanyl và methamphetamine, sau đó được sản xuất tại Mexico.
Báo cáo ghi nhận, các nhóm tội phạm có tổ chức trên khắp Mexico tìm cách độc quyền đánh bắt thủy sản hợp pháp và bất hợp pháp theo toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài việc đòi một phần lợi nhuận, họ áp đặt giá cả và số lượng ngư dân có thể tham gia đánh bắt, bắt buộc những người đánh cá chỉ bán sản phẩm thu hoạch được cho các nhóm tội phạm và buộc các nhà hàng chỉ mua cá từ các nhóm tội phạm.
Việc các nhóm tội phạm Mexico thao túng ngành khai thác cá khiến các thương nhân Trung Quốc phải giao dịch trực tiếp với họ và làm thay đổi các mô hình quan hệ thương mại. Trong khi cách đây hơn một thập kỷ, các thương nhân Trung Quốc giao dịch trực tiếp với những kẻ săn bắt động vật hoang dã và ngư dân địa phương, thì nay ngày càng nhiều các nhóm tội phạm có tổ chức của Mexico đóng vai trò trung gian.
Chính phủ Trung Quốc bác bỏ trách nhiệm của họ đối với việc săn trộm và buôn bán động vật hoang dã ở Mexico, cho rằng những vấn đề này thuộc trách nhiệm của chính phủ Mexico. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến việc chính thức hóa hợp tác Trung Quốc-Mexico hoặc Trung Quốc-Mexico-Hoa Kỳ nhằm chống buôn bán động vật hoang dã, mà thường chỉ hợp tác theo từng sự vụ.
Tuy nhiên, trước sức ép dữ dội của quốc tế, chính phủ Trung Quốc năm 2018 đã tiến hành một số cuộc truy quét nhằm vào các thị trường bán lẻ. Các cuộc truy quét này đã chấm dứt tình trạng buôn bán các mặt hàng động vật hoang dã bất hợp pháp một cách công khai và trắng trợn. Những cửa hàng bán lẻ như vậy đã chuyển sang hoạt động bí mật và trực tuyến. Tuy nhiên có vẻ Trung Quốc đã không duy trì các nỗ lực nhằm chống lại hoạt động buôn bán hiện đã chuyển sang hình thức bí mật.
Theo đánh giá từ báo cáo, các cơ quan bảo vệ môi trường và thực thi pháp luật của Mexico thiếu nguồn lực để ngăn chặn tội phạm môi trường. Tình trạng tham nhũng và môi trường pháp lý còn hạn chế đã tạo điều kiện cho sự tồn tại của thực trạng săn trộm, khai thác gỗ trái phép và buôn bán động vật hoang dã sang Trung Quốc. Để xác định và loại bỏ mạng lưới buôn lậu và thị trường này, đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp ở Mexico với các nguồn lực hiệu quả hơn, theo đánh giá của Báo cáo.
Đức Minh (Theo Brookings)