BVR&MT – 2021 là năm mà các khu rừng nhiệt đới được chú ý hơn mức bình thường nhờ sự công nhận ngày càng tăng về vai trò trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Tuy nhiên, bất chấp những suy đoán trong những tháng đầu của đại dịch rằng hoạt động kinh tế chậm lại có thể làm giảm hoạt động khai thác rừng, tình trạng mất rừng nguyên sinh và độ che phủ của cây ở các vùng nhiệt đới vẫn tiếp tục tăng nhanh từ năm 2019. Dưới đây là những mảnh ghép cụ thể về bức tranh rừng nhiệt đới trong năm 2021 dù chưa phải là đánh giá toàn diện.
Nạn phá rừng vẫn ở mức cao
Theo dữ liệu từ Global Forest Watch, tình trạng mất rừng nguyên sinh và độ che phủ cây ở các vùng nhiệt đới tăng nhanh trong giai đoạn 2019 – 2020, cụ thể: mất rừng nguyên sinh tăng 12% lên 4,2 triệu ha; cây nhiệt đới mất độ che phủ tăng 1,5% lên 12,5 triệu ha. Mức độ mất rừng năm 2021 hiện chưa được công bố nhưng những dấu hiệu ban đầu từ nạn phá rừng gia tăng 22% ở vùng Amazon tính đến 31/7/2021 cho thấy tình trạng mất rừng nhiệt đới sẽ vẫn ở mức cao bởi có tới 1/3 diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới bị mất trên toàn cầu đã xảy ra ở Brazil trong 20 năm qua. Con số mất mát cụ thể sẽ sớm được Global Forest Watch công bố vào tháng 3 hoặc tháng 4/2022.
Rừng nhiệt đới được chú ý tại các sự kiện toàn cầu
Tại các hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học cũng như hội nghị bảo tồn toàn cầu IUCN và các cuộc hội đàm cấp cao giữa các nhà lãnh đạo G20, rừng là chủ đề trọng tâm được đưa ra thảo luận, đặc biệt là nhu cầu bảo vệ rừng như một phần của các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tiếc là các cuộc thảo luận không đi đến các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý và có thời hạn để chấm dứt nạn phá rừng. Cam kết cao nhất liên quan đến rừng có thể kể tới là Tuyên bố về rừng và sử dụng đất của các nhà lãnh đạo Glasgow tại COP26 được 141 quốc gia (chiếm hơn 90% diện tích rừng toàn cầu, tương đương 3,7 tỷ ha) ký kết nhưng cũng chỉ mang tính tự nguyện.
Cam kết tài chính đối với rừng
Đi kèm với các cuộc hội đàm toàn cầu là cam kết của chính phủ và các nhà tài trợ dành hàng tỷ đô la cho nỗ lực bảo tồn và phục hồi rừng. Đơn cử tháng 4/2021, chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Na Uy phối hợp với các công ty tư nhân phát động Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) nhằm đẩy nhanh các khoản thanh toán cho các nước nhiệt đới giảm nạn phá rừng. Tháng 11, tại COP26, sáng kiến này cho biết đã đạt được mục tiêu ban đầu là huy động được 1 tỷ USD trong tổng số 19,2 tỷ đô la cam kết tài chính liên quan đến rừng được công bố tại COP26. Dù vậy, rất ít thông tin về việc số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào, đến từ đâu và mức độ đóng góp? Trước đó, hồi tháng 9, 9 nhà tài trợ tư nhân cũng cam kết dành 5 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới để “hỗ trợ việc tạo ra, mở rộng, quản lý và giám sát các khu vực được bảo vệ và bảo tồn trên đất liền, vùng nước nội địa và biển, làm việc với người bản địa, cộng đồng địa phương, xã hội dân sự và chính phủ”.
Giám sát chặt hơn chuỗi cung ứng hàng hóa và các nhà tài chính
Năm 2021, các nhà báo và tổ chức xã hội dân sự xuất bản nhiều báo cáo và điều tra về mối liên hệ giữa các mặt hàng như thịt bò, dầu cọ, đậu nành với nạn phá rừng và vi phạm nhân quyền, hướng sự chú ý đáng kể của công chúng đến các sản phẩm thúc đẩy sự suy thoái và tàn phá rừng nhiệt đới. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra cũng tiết lộ mặt tối của việc sản xuất coban, niken, vàng, các kim loại và khoáng sản khác khi các khu vực khai thác này bao phủ lên những cánh rừng nguyên vẹn. Không chỉ vậy, các nhà hoạt động và báo giới cũng ngày càng chú ý đến các ngân hàng, nhà đầu tư và các nhà quản lý quỹ đang tài trợ cho nạn phá rừng cũng như việc các chính phủ phương Tây tiếp tục thảo luận về việc áp đặt các hạn chế đối với các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng. Trong khi các luật như Đạo luật Lacey ở Hoa Kỳ và FLEGT ở Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã cấm các mặt hàng được sản xuất bất hợp pháp, một số quy tắc mới được EU đề xuất sẽ áp dụng cho các sản phẩm liên quan đến phá rừng hợp pháp tức yêu cầu các nhà cung cấp phải chứng minh sản phẩm của mình không góp phần vào việc phá rừng hợp pháp hoặc bất hợp pháp.
Phục hồi hệ sinh thái được quan tâm hơn
Mối quan tâm đến việc trồng cây tiếp tục tăng lên khi thế giới ngày càng chấp nhận ý tưởng triển khai “các giải pháp dựa trên tự nhiên” để giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có không ít cảnh báo về những tác động tiêu cực có thể xảy ra của các sáng kiến trồng cây sơ sài cũng như những tiết lộ rằng lĩnh vực trồng cây đang bị che đậy bởi rất nhiều hành vi bất minh hoặc phóng đại quá mức.
Riêng thị trường carbon rừng lại bước vào một chu kỳ bùng nổ khác với giá carbon tăng mạnh do một loạt công ty tranh giành để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không. Tháng 5, Singapore đã khởi động sáng kiến Climate Impact X bao gồm một thị trường cho các dự án carbon dựa vào thiên nhiên và trao đổi tín chỉ carbon thông thường. Tháng 6, Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức lương thực và nông nghiệp (FAO) cũng khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc với mục tiêu khôi phục ít nhất 1 tỷ ha đất bị thoái hóa trong thập kỷ tới.
IPLC đang được công nhận
Ghi nhận những đóng góp của người dân bản địa và cộng đồng địa phương (IPLC) đối với việc duy trì các hệ sinh thái lành mạnh và hiệu quả tiếp tục phát triển vào năm 2021. Dù vậy, các IPLC vẫn chưa nhận được quyền lợi bảo tồn thực sự. Một phân tích được xuất bản bởi Rainforest Foundation Na Uy cho biết chỉ dưới 1% các khoản viện trợ nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước nhiệt đới trong giai đoạn 2011-2020 dành cho quyền sở hữu và quản lý rừng của các IPLC. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết phần nào nếu các cam kết đưa ra trong COP26 có hiệu lực với cam kết khoảng 1,7 tỷ USD sẽ được tài trợ cho các IPLC, dù con số này chỉ thể hiện một phần nhỏ so với mức độ tham vọng được đề xuất.
Các nhà bảo vệ môi trường tiếp tục gặp nguy hiểm
Năm 2021 vẫn là thời điểm nguy hiểm để trở thành một nhà bảo vệ môi trường. Báo cáo của Global Witness được công bố tháng 9 xác nhận điều mà cộng đồng môi trường nghi ngờ: năm 2020 là năm tồi tệ nhất được ghi nhận về số vụ giết hại những nhà bảo vệ môi trường. Có rất nhiều dấu hiệu bạo lực kéo dài đến năm 2021, bao gồm nhiều vụ bạo lực được báo cáo nhằm vào các cộng đồng bản địa ở vùng Amazon.
Các dịch vụ hệ sinh thái rừng giảm dần
Một số nghiên cứu được công bố đã ghi nhận khả năng suy giảm của các khu rừng nhiệt đới để hoạt động như các bể chứa carbon do mất rừng, suy thoái và tác động của biến đổi khí hậu. Chúng bao gồm nhiều bài báo cung cấp thêm bằng chứng cho thấy rằng rừng Amazon hiện là nguồn phát thải ròng carbon với các đám cháy đang làm suy yếu và giết chết các khu rừng nhiệt đới trên quy mô lớn.
Gia tăng nạn phá rừng ở Amazon, Congo và Đông Nam Á
Amazon: Nạn phá rừng ở Amazon của Brazil đã tăng 22% tính đến 31/7/2021 so với năm trước. Dữ liệu của Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho thấy tỷ lệ phá rừng gia tăng đã kéo dài kể từ tháng 7, phù hợp với số liệu của Imazon, tổ chức phi chính phủ của Brazil chuyên theo dõi hoạt động phá rừng ở Amazon.
Bolivia: Các khu bảo tồn ở Bolivia, nơi có tỷ lệ mất rừng nguyên sinh cao thứ ba vào năm 2020, thường xuyên xảy ra các vấn đề như xâm lấn, phá rừng trái phép và cháy rừng.
Colombia: Trong khi Colombia ưu tiên ngăn nạn phá rừng theo các mục tiêu khí hậu thì tình trạng mất rừng đang có xu hướng gia tăng ở quốc gia này. Năm 2021, có nhiều báo cáo về việc xâm phạm bất hợp pháp vào các khu bảo tồn, bao gồm việc xây đường, chăn nuôi gia súc và mở rộng quy mô nông nghiệp.
Peru: Là nước có tỷ lệ tử vong do COVID cao nhất thế giới, Peru phải vật lộn với nạn phá rừng trái phép bởi thợ mỏ, lâm tặc và tội phạm buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, chính phủ cũng đã thành lập Khu bảo tồn bản địa Yavarí Tapiche rộng 1,1 triệu ha và nhận được hơn 400 triệu USD cam kết từ chính phủ Mỹ, Anh, Đức và Na Uy để bảo vệ rừng.
Lưu vực Congo: Là nơi có diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới nhưng Congo cũng là khu vực mà nạn phá rừng đang gia tăng, rừng có xu hướng khô hạn và có những kế hoạch lớn để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư vào các ngành công nghiệp khai thác. Lưu vực Congo được coi là một phần quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu nên thu hút những cam kết tài chính mới đáng kể cho việc bảo tồn rừng. Tuy nhiên, cuộc chiến giằng co về số phận của những vùng đất than bùn khổng lồ nằm giữa Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) vẫn tiếp diễn giữa một bên muốn khai thác khu vực để lấy dầu, gỗ và một bên muốn duy trì tính toàn vẹn của vùng đất ngập nước, nơi lưu trữ hơn 30 tỷ tấn carbon.
Indonesia: Trong vòng 5 năm qua, không có quốc gia nào có tỷ lệ mất rừng nguyên sinh giảm nhiều như Indonesia. Tuy nhiên, từ khi đại dịch bùng phát, chính phủ Indonesia đã ban hành các biện pháp có thể thúc đẩy tỷ lệ mất rừng cao trong tương lai bao gồm ưu tiên sản xuất nhiên lệu sinh học từ dầu cọ và mở rộng đồn điền. Đặc biệt, khai phá rừng bất hợp pháp và xung đột đất đai tiếp tục là vấn đề bất ổn ở Indonesia, nhất là tại Papua, nơi bao gồm phần lớn các khu rừng nguyên vẹn còn lại của Indonesia.
Malaysia: Công dân của bang Sabah, Malaysia tháng 11/2021 đã rất ngạc nhiên khi hay tin các nhà lãnh đạo bang đã ký thỏa thuận bí mật với các công ty nước ngoài về việc chia sẻ lợi nhuận để tiếp thị carbon và các nguồn vốn tự nhiên khác từ hơn 2 triệu ha rừng trong ít nhất 100 năm tới mà các cộng đồng sống trong và xung quanh những khu rừng này không hề hay biết.
Myanmar: Cuộc đảo chính ở Myanmar làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền cầm quyền sẽ khai thác rừng như một nguồn tài chính. Hình ảnh vệ tinh tháng 8/2021 cho thấy tình trạng mất rừng thực sự đang gia tăng ở miền nam Myanmar.
Campuchia: Tỷ lệ mất rừng đáng kể của Campuchia vẫn tiếp diễn, nhất là khi tháng 3/2021, chính phủ ký nghị định mới cấp 127.000 ha cho chính quyền tỉnh Koh Kong nhằm bán hoặc cho doanh nghiệp thuê đất, gây ra lo ngại rằng khu vực giàu rừng sẽ bị phá hoặc các khu rừng được bảo vệ bị thu hẹp.
Linh Nhi (Theo Mongabay)