Bức tranh khoa học và công nghệ

BVR&MT – Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhờ đó, các công trình khoa học công nghệ (KHCN) được áp dụng hiệu quả vào sản xuất và đời sống, đặc biệt, đã đưa vào vận hành thành công cổng thông tin SmartGAP hỗ trợ truy xuất các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Trong tiết trời sang xuân, chúng tôi cảm nhận không khí tươi vui, phấn khởi của người dân từ vùng thấp đến vùng cao; cùng với đó là sự thay đổi diện mạo của các bản làng. Niềm vui nhất là thành quả năm qua tỉnh đạt được: Tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt 224 nghìn tấn; trồng mới 818ha chè, 585ha cây ăn quả, 1.804ha rừng, 1.830ha mắc-ca; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 44,4 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.021 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành KHCN Lai Châu đã có những chuyển động tích cực, nhiều nghiên cứu khoa học tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp cơ sở khoa học đóng góp cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Trong đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Theo chia sẻ của đồng chí Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KHCN, dấu ấn trong năm qua là phục tráng và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác và giống lúa khẩu hốc nguyên chủng số lượng 200kg cho UBND huyện Tân Uyên; giống lúa tả cù huyện Phong Thổ; xác định 12 giống sơn tra trồng lấy quả và quy trình kỹ thuật phù hợp tại tỉnh. Hoàn thiện, chuyển giao quy trình nhân giống trồng sâm Lai Châu trên diện tích 600m2 tại các xã vùng cao thuộc huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ; quy trình kỹ thuật nhân giống cây “ớt trung đoàn” với quy mô 360m2 tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các cánh đồng trồng lúa tập trung (Mường Than, Bình Lư, Mường So, Mường Khoa).

Điểm nhấn bức tranh KHCN của tỉnh năm qua là ngành KHCN tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh trong chăn nuôi, trồng trọt, lựa chọn một số loại có năng suất, chất lượng cao để chuyển giao cho người dân như: giống lúa khẩu hốc, lúa tả cù, cây “ớt trung đoàn”, cây dong riềng, cây rau, dược liệu, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chuối, kỹ thuật lựa chọn trâu giống bố mẹ. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm: khôi nhung, miến dong Bình Lư, rau chất lượng cao, lan Lai Châu, thuốc tắm của dân tộc Dao Khâu, sản phẩm thổ cẩm, tôm Ta Gia, sâm Lai Châu, xây dựng chỉ dẫn địa lý “chè Lai Châu”…

Trên lĩnh vực xã hội và nhân văn, nổi bật với việc nghiên cứu cung cấp luận cứ về chính sách an sinh xã hội, xây dựng bộ chữ viết Hà Nhì, mô hình du lịch cộng đồng, nghiên cứu thực trạng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tại Lai Châu, truy xuất nguồn gốc một số nông sản và xây dựng chuỗi giá trị đối với các nông sản… Qua đó, cung cấp cho các nhà quản lý, các ngành xây dựng và thực hiện các chính sách đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học y dược, ngành KHCN đã tập trung nghiên cứu, đánh giá hoàn thiện các quy trình trồng, chế biến một số sản phẩm từ cây dược liệu như: đỗ trọng, bảy lá một hoa, “ớt trung đoàn”, lan kim tuyến, khôi nhung và một số bài thuốc tắm tiêu biểu của dân tộc Dao.

Cùng hòa mình vào dòng chảy KHCN năm qua, các hoạt động trên từng lĩnh vực như: Quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, sở hữu trí tuệ, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng… tiếp tục có những bước tiến mới. Trong đó, nhãn hiệu “miến dong Bình Lư nông sản sạch” đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, hướng dẫn và hỗ trợ 8 đơn vị, cá nhân tiến hành đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ gồm: “ớt trung đoàn”, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, khôi nhung, nếp tan pỏm, khẩu lương phửng, chanh leo, hạt dổi, cá lăng đuôi đỏ, thịt trâu…

Có được kết quả kể trên, năm qua, ngành KHCN đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của KHCN là nền tảng, động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KHCN, chính sách khuyến khích ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chính sách thu hút nhân tài. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, huy động đa dạng hóa các nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN.

Ngoài ra, ngành KHCN thường xuyên đẩy mạnh liên kết, hợp tác, chú trọng tạo lập mối quan hệ chặt chẽ trong nghiên cứu triển khai và các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các tổ chức KHCN, các vụ, viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học của Trung ương và địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp cận với thực tiễn sản xuất và đời sống của tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ KHCN nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Kết quả hoạt động của ngành KHCN trong năm qua đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đón năm mới với khí thế là năm bản lề quan trọng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp, ngành Khoa học hướng đến cơ chế đổi mới về đặt hàng, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phục vụ sản xuất, đời sống Nhân dân. Góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển; đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.