BVR&MT – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, tính chủ động, bị động của từng nơi để từ đó có các giải pháp phù hợp.
Chiều 22/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Hè Thu, Mùa năm 2019 khu vực Trung Bộ.
Trước tình hình hạn hán, thiếu nước hằng năm thường diễn ra tại khu vực Trung Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải đưa ra được bản đồ hạn hán ở khu vực này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, theo Tổ chức Khí tượng thế giới năm nay là năm nắng nóng kỷ lục nhất trong 140 năm qua. Nắng nóng liên tục kéo dài kèm theo độ ẩm thấp, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi rất lớn, trong khi lượng mưa ít. Điều này dẫn tới nhu cầu nước tưới tăng, đồng thời làm giảm lượng nước hồ chứa. Đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, tính chủ động, bị động của từng nơi để từ đó có các giải pháp phù hợp.
Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng mô hình hỗ trợ người dân xây dựng bể chứa nước mưa để có thể đảm bảo nước sinh hoạt tối thiểu trong những tháng hạn hán, thiếu nước. Từ đó đánh giá hiệu quả của các mô hình và nhân rộng ra các địa phương.
Cùng với đó, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng, năng lực hồ chứa, công trình thủy lợi ở Trung Bộ, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa khô để đảm bảo sản xuất.
Cục Trồng trọt cần đánh giá thực trạng, khả năng sản xuất của các vùng; đồng thời, có những khuyến cáo cụ thể với các địa phương về việc cần chuyển bao nhiêu diện tích đất trồng lúa sang cây trồng cạn để không chỉ đảm bảo an toàn trong thiên tai mà còn về thị trường và tính bền vững.
Trước nhu cầu chuyển đổi diện tích của các địa phương, Cục Trồng trọt cũng cần đưa ra những bộ giống cây trồng cạn phù hợp cho chuyển đổi, đặc biệt là các loại cây chịu hạn và khuyến kích chuyển đổi sang trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, tình hình hạn hán, thiếu nước ở Bắc Trung Bộ còn tiếp tục có nguy cơ xảy ra đến đầu tháng Tám tới và sẽ có khoảng 14.900ha cây trồng bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 3,2% diện tích gieo trồng; Nam Trung Bộ sẽ có khoảng 54.400ha, chiếm 15% diện tích gieo trồng.
Dự báo, nhiều địa phương sẽ có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng lớn như Quảng Nam 19.800ha, Quảng Ngãi 13.000ha, Bình Định 12.000ha, Phú Yên 8.000ha, Nghệ An 4.500ha…
Bên cạnh đó, khu vực Trung Bộ sẽ có khoảng 138.800 hộ nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Điển hình, Quảng Nam 32.000 hộ, Quảng Ngãi 13.600 hộ, Bình Định 11.400 hộ, Nghệ An 10.000 hộ, Phú Yên 10.000 hộ…
Theo Tổng cục Thủy lợi, hạn hán, thiếu nước bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng Sáu vừa qua ở khu vực Bắc Trung Bộ. Do có đợt mưa đầu tháng Bảy này, tình trạng hạn hán, thiếu nước tạm thời chấm dứt nhưng xuất hiện trở lại ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước xuất hiện tại Bình Định từ giữa tháng Sáu vừa qua, đến đầu tháng Bảy này đã xuất hiện thêm ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa.
Cụ thể, ở khu vực Bắc Trung Bộ, lúc cao điểm nhất là cuối tháng Sáu vừa qua có khoảng 21.600ha bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, chiếm 4,5% diện tích gieo trồng của khu vực. Hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước ở mức độ nhẹ hơn so với thời gian cuối tháng Sáu năm nay.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, diện tích bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước là 16.300ha, chiếm 4,6% diện tích gieo trồng; trong đó, diện tích cây trồng bị chết trên 500ha.
Nắng nóng kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho gần 114.000 hộ dân nông thôn.