BVR&MT – Ngày 07/11/2020, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đoàn công tác Ủy ban Dân tộc đã có buổi làm việc tại tỉnh Hòa Bình về tình hình kết quả thực hiện các chính sách dân tộc và công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc có: Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đoàn công tác đã nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình báo cáo kết quả công tác dân tộc năm 2020 và công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội. Trong năm 2020, tỉnh đã làm tốt công tác nắm tình hình tư tưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc lồng ghép triển khai các chương trình, dự án, chính sách về lĩnh vực công tác dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc như: Chương trình 135, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2017-2021, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, v.v… Triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, các sở, ban, ngành, địa phương đã phổ biến, quán triệt tới cán bộ, Đảng viên, Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết. Tỉnh đã giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát thực trạng kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của 145/151 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, xác định nhu cầu thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, xong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình vẫn là địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông còn nhiều khó khăn, sinh kế, việc làm, chất lượng cuộc sống của một bộ phận đồng bào chưa được ổn định, còn có khoảng cách và sự chênh lệch về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Vì vậy, tại buổi làm việc, tỉnh Hòa Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc quan tâm, xem xét đến các yếu tố đặc thù của địa phương khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do năm 2020 tỉnh thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, từ 11 huyện, thành phố giảm còn 10 huyện, thành phố (giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện); từ 210 xã, phường, thị trấn, đến nay chỉ còn 151 xã, phường thị trấn (giảm 59 xã). Đặc biệt, đề nghị Ủy ban Dân tộc quan tâm đến các điểm khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ sạt lở, lũ quét nguy hiểm; đề nghị xem xét, lựa chọn huyện Đà Bắc được triển khai dự án thuộc hạng mục “đầu tư vùng trồng dược liệu quý” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến mong muốn Nghị quyết số 20 của Quốc hội khi triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm bày tỏ quan điểm Tỉnh ủy Hòa Bình cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc nhiệm kỳ 2020 – 2025, trên cơ cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh làm căn cứ xây dựng các đề án tổ chức thực hiện. Đề nghị tỉnh quan tâm, củng cố cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Đồng thời, tỉnh cần kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh tham mưu, tổng hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn.
Hậu Thạch