BVR&MT – Trước thông tin về việc tỉnh Thái Bình đã có quyết định về việc cắt giảm diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã có văn bản đề nghị địa phương này làm rõ.
Công văn số 6941/BTNMT-BTĐD do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký ngày 22/8/2023 gửi UBND tỉnh Thái Bình nêu rõ, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (KBTTN Tiền Hải) được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500ha và được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bộ Danh mục các khu bảo tồn.
Cũng theo văn bản này, KBTTN Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Căn cứ theo thông tin phản ánh, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha theo Quyết định số 731/QĐ-UBND nghày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với việc điều chỉnh diện tích KNTTN Tiền Hải.
Nội dung Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình xác định quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh vừa được tỉnh Thái Bình ký ban hành. Khu vực này còn có tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, một trong hai vùng lõi khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Trong đó, diện tích Khu bảo tồn sẽ giảm từ 12.500 ha xuống còn hơn 1.320 ha (giảm 11.050 ha). Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ.
Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại ba xã trên với quy mô 1.430 ha rừng, 11.050 ha đất ngập nước và bãi bồi.
Phía tỉnh Thái Bình cho biết, theo quy hoạch, khu kinh tế được phê duyệt sẽ chồng lấn hơn 11.000 ha khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trong đó có 300 ha diện tích rừng đặc dụng. Tỉnh đã điều chỉnh đưa ra khỏi Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020.
Liên quan việc này, trả lời báo chí, đại diện Cục Lâm Nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu bảo tồn cũng liên quan đến các chương trình ứng phó biển đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nghiệp và Phát triển nông thôn. Phía Bộ đã trả lời đây là khu bảo thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu Tư, Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.
Cũng theo phía Cục Lâm nghiệp thì cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía UBDN tỉnh Thái Bình về việc này.
Cũng về vấn đề thu hẹp khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc thu hẹp tới 90% khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cần thận trọng, tuân thủ luật pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.
WWF cho rằng, theo quyết định 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình, diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải sẽ còn 1.320 ha, bao gồm phần đất có rừng ngập mặn là 632 ha và đất chưa có rừng là 688 ha. “Điều này có nghĩa là diện tích của khu bảo tồn đã giảm đi 89,44% so với diện tích được công nhận theo quyết định số 2159/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình năm 2014 (12.500 ha) với khu rừng đặc dụng Tiền Hải”, đại diện WWF cho hay.
Theo WWF, Việt Nam là một trong 16 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới, nhờ sự đa dạng về hệ sinh thái, các loài động/thực vật, các loài đặc hữu và nguồn gen quý hiếm. Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là 1 trong 63 khu vực được xác định là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu ở Việt Nam.
IBA quan trọng không chỉ đối với các loài chim, mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động vật, với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ hoặc cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là một trong 2 vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2004.
Sơn Tinh