BVR&MT – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) cho biết, việc bổ sung thông tin ADN là đúng luật và không bị lộ lọt thông tin.
Mới đây, trên cơ sở rà soát Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân. Theo Bộ Công an, Luật CCCD hiện nay quy định dữ liệu của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD chỉ bao gồm một số nhóm thông tin (họ, tên, năm sinh…). Việc giới hạn trong phạm vi nêu trên sẽ gây khó khăn khi triển khai Đề án 06 của Thủ tướng về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Do đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Số CMND cũ, người giám hộ, người được giám hộ, thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam… (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 05 năm trở lên).
Bộ cũng yêu cầu, chỉnh lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thành Cơ sở dữ liệu căn cước. Bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về Người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 05 năm trở lên); tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).
Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2022, trả lời câu hỏi vì sao đề xuất đưa thông tin ADN vào dữ liệu của căn cước công dân (CCCD) gắn chip, Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) – cho biết: Việc đề xuất bổ sung thông tin ADN trong dữ liệu thẻ CCCD nằm trong quá trình C06 đang xin ý kiến nhân dân để sửa Luật Căn cước công dân sắp tới.
Đại tá Tô Anh Dũng giải thích, hiện nay các dữ liệu trong CCCD của các quốc gia trên thế giới thì việc thu thập sinh trắc học, đặc biệt dữ liệu về ADN là rất quan trọng, nhất là đối với ngành y. Bên cạnh đó, hàng năm có nhiều nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước… không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính, do đó việc đưa thông tin ADN vào dữ liệu CCCD sẽ giúp cơ quan chức năng xác định được danh tính, người thân của nạn nhân một cách nhanh chóng.
Do đó, theo Đại tá Tô Anh Dũng, việc bổ sung thông tin ADN vào dữ liệu CCCD rất có lợi cho người dân. Trong quá trình Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thu thập, cũng như bảo mật thông tin về ADN hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, sẽ không bị lộ lọt thông tin.
“Mục tiêu của công an là bảo vệ quyền và lợi ích cho người dân, do đó chúng ta hoàn toàn yên tâm về vấn đề thu thập thông tin ADN. Hiện nay trong ngành y, khi chúng ta đi khám, chữa bệnh thì thông tin ADN đã có rồi, nhưng chưa được luật hóa. Do đó, chúng tôi đề xuất đưa thông tin ADN luật CCCD để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân” – Đại tá Dũng cho hay./.