BVR&MT – Dự kiến trong 1-2 ngày tới, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có kết quả bước đầu xác định nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy khiến bò chết hàng loạt tại Lâm Đồng.
Hôm nay, 9/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo đoàn công tác của Cục Thú y và cơ quan chuyên môn tại Lâm Đồng tiếp tục bám sát thực địa, điều tra xác định nguyên nhân và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật.
Sẽ có kết quả nguyên nhân trong 1-2 ngày tới
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ địa phương về việc gần bò sữa chết hàng loạt và tiếp tục gia tăng tại Lâm Đồng, ngày 7/8 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tập trung các biện pháp khắc phục. Sáng ngày 8/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tổ chức họp các đơn vị chuyên môn của Cục Thú y đồng thời trao đổi trực tiếp với tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cung cấp đầy đủ hóa chất, thuốc và các loại vitamin để thực hiện các biện pháp khắc phục ngay trong ngày.
Ngày 7/8, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác gồm Cục trưởng và Phó Cục trưởng và đại diện các đơn vị liên quan đến Lâm Đồng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân.
Trong đêm 7/8 và ngày 8/8, Đoàn công tác của Cục Thú y đã đến các hộ có bò bệnh, chết để tổ chức lấy mẫu điều tra, xác định nguyên nhân. Trong đêm 8/8, ngày 9/8, các phòng thí nghiệm của Cục Thú y sẽ xét nghiệm, xác định các tác nhân có khả năng gây bệnh tiêu chảy trên bò.
Để điều tra nguyên nhân, đoàn công tác đã thu giữ toàn bộ vỏ lọ vaccine viêm da nổi cục đã dùng hết, các lọ vaccine chưa dùng hết và các lọ vaccine chưa sử dụng, bảo quản cẩn thận để lấy mẫu phân tích, xét nghiệm.
Bên cạnh đó, đoàn công tác đã thu thập thông tin trên đàn bò sữa bị tiêu chảy tại: Các hộ chăn nuôi bò sữa có sử dụng vaccine viêm da nổi cục (thời gian tiêm phòng; tổng đàn/hộ; số lượng bò được tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục; số con bị tiêu chảy; số con bị chết;…). Các hộ chăn nuôi có bò sữa bị tiêu chảy, chết nhưng chưa tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên cùng địa bàn (tổng đàn/hộ; số con bị tiêu chảy; số con bị chết;…).
Đoàn công tác đã tổ chức mổ khám, kiểm tra bệnh tích, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm, phân tích xác định nguyên nhân. Dự kiến, trong 1-2 ngày sẽ có kết quả bước đầu xác định nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên bò.
Song song với công tác điều tra nguyên nhân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trực tiếp là Cục Thú y đã chỉ đạo tạm dừng sử dụng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục và các vaccine phòng các dịch bệnh khác trên đàn bò trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Hỗ trợ các hộ có bò bệnh
Để thực hiện mục tiêu ổn định tình hình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cử lãnh đạo cùng với đại diện chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đến trao đổi, động viên chủ gia súc, nhất là chủ hộ có gia súc bị bệnh, bị chết; giúp bà con yên tâm phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống, điều tra xác định nguyên nhân, đồng thời khẩn trương có giải pháp hỗ trợ trước mắt cho chủ gia súc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cử ngay lãnh đạo công ty và các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm đến ngay các địa bàn cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân.
Bộ cũng yêu cầu công ty hỗ trợ và vận chuyển ngay các loại thuốc kháng sinh, vitamin, chất điện giải và hóa chất đến tỉnh Lâm Đồng để triển khai phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các hộ có bò bị bệnh, bị chết.
Về các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo bộ yêu cầu phân công lực lượng thú y đến từng hộ có gia súc bị tiêu chảy để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cách ly gia súc bị bệnh; điều trị sớm gia súc đã xuất hiện triệu chứng, tăng cường sức đề kháng, chống mất nước và hạn chế tiêu chảy cho đàn bò sữa; tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.
Cơ quan quản lý cơ sở cũng phải tăng cường công tác kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh trên địa bàn có dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện và tỉnh, nhất là với đối tượng trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh./.