BVR&MT – Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống; Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung Bộ, tiếp giáp với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có diện tích tự nhiên 7.943,93 km2, bao gồm 10 huyện, thị xã, thành phố; với 124 xã, phường, thị trấn; tổng dân số 289.685 hộ/1.271.136 khẩu; trong đó, có 34 thành phần dân tộc thiểu số, với tổng số trên 100 nghìn người (chiếm tỷ lệ 8% dân số toàn tỉnh), cư trú rộng khắp trên địa bàn của tỉnh. Có 9 xã khu vực III, 27 xã khu vực II, 44 xã khu vực I; 05 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Từ nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú đan xen với đồng bào Kinh, tạo thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế, xã hội vùng dân tộc miền núi gặp không ít khó khăn, sự phát triển còn chậm so với bước phát triển chung của toàn tỉnh. Xuất phát từ đặc điểm tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động với mục tiêu chính nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào. Theo đó, từ năm 2017 đến 2020, qua 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg, tỉnh Bình Thuận cơ bản đã đạt được một số thành quả như sau:
– Toàn tỉnh đã tổ chức trên 223 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho hơn 28.700 lượt người vùng đồng bào DTTS tham gia; biên soạn trên 25.000 bộ tài liệu và in ấn trên 50.000 tờ rơi, tờ gấp, 700 sổ tay hướng dẫn thực hiện các văn bản luật; tổ chức 20 hội thi tìm hiểu chính sách pháp luật.
– Củng cố và duy trì 04 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, CLB “Phụ nữ phòng, chống mua bán người”; mô hình “Ánh sáng nông thôn”; xây dựng 06 nhóm nòng cốt và 05 mô hình “Tuyên truyền, PBGDPL” và 01 mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số; thành lập 707 tổ hòa giải/4.617 hòa giải viên. Đồng thời, thành lập mạng xã hội facebook, zalo ở các huyện, xã để các hội viên tham gia diễn đàn chia sẽ, trao đổi kinh nghiệm…
– Với chức năng là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc đã tổ chức 21 lớp/929 người; in ấn 8.000 tờ gấp và 25 tấm áp phích tuyên truyền, phổ biến các Luật như: Luật Phòng, chống ma túy; Luật An ninh mạng; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Bình Đẳng giới; Luật hôn nhân và Gia đình; Luật an toàn giao thông…; đồng thời, triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh về tình hình kinh tế – xã hội, an ninh trật tự, tình hình cho vay nặng lãi…
Với những kết quả đạt được nêu trên, tình hình vi phạm chính sách, pháp luật và đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong vùng đồng bào DTTS giảm hẳn; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; vệ sinh môi trường nhiều nơi có cải thiện; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm hẳn; an ninh trật tự trên các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản giữ vững ổn định và lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày một củng cố.
Võ Nhung