BVR&MT – Qua hơn 10 năm triển khai Quyết định số 18/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực. Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng.
Từ nhiều năm nay, già làng Đinh Phik (68 tuổi), ở làng 6, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) được bà con xem như “thủ lĩnh tinh thần” trong mọi hoạt động ở địa phương. Già Đinh Phik không chỉ là người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực vận động bà con áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Già cũng là “trọng tài” trong giải quyết hầu hết vụ việc tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện ở địa phương mình.
Già làng Đinh Phik nói: “Được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín (NCUT) nên trong mọi hoạt động từ sinh hoạt hàng ngày đến sản xuất, bản thân và gia đình tôi luôn gương mẫu. Mình còn phải nắm chắc, hiểu rõ các chủ trương, chính sách để tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng làm theo”. Nhờ sự tích cực của già Đinh Phik trong mọi hoạt động mà liên tục nhiều năm liền trên địa bàn làng 6, xã Vĩnh Thuận không xảy ra các vụ say rượu đánh nhau, không có hiện tượng tảo hôn; mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu ngày càng được đẩy lùi.
Năm 2021, toàn tỉnh có 122 NCUT trong đồng bào DTTS thuộc 6 huyện (An Lão 40 người, Vĩnh Thạnh 32 người, Vân Canh 28 người, Hoài Ân 13 người, Tây Sơn 7 người, Phù Cát 2 người). Để đảm bảo thực hiện tốt chính sách đối với NCUT, trong các năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách; hằng năm tổ chức rà soát, bầu bổ sung thay thế NCUT đúng quy trình, tiêu chuẩn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cùng với đó, các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, công khai, giải quyết kịp thời về vật chất và tinh thần cho NCUT.
Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 40 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.464 lượt NCUT tham dự; tổ chức 12 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 244 người và 7 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành trong cả nước cho 166 người. Bên cạnh đó, tỉnh đã cung cấp các loại báo chí, tổ chức gặp mặt tôn vinh; thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ lúc ốm đau, khi gặp khó khăn, hoạn nạn… cho các già làng, NCUT tiêu biểu trong cộng đồng. Tổng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCUT trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh gần 6 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh thực hiện trên 3,7 tỷ đồng, cấp huyện thực hiện trên 2,2 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đánh giá: Nhờ thực hiện tốt các chính sách, đã phát huy vai trò tích cực của NCUT tại các làng đồng bào DTTS. Các già làng, trưởng thôn, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi được bầu chọn là NCUT đã tích cực tham gia vận động nhân dân chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư như: Khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tảo hôn, tự tử, cầm đồ thuốc độc, mê tín dị đoan…, góp phần bảo vệ ANTT tại vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, trong phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, NCUT luôn là những tấm gương sáng, đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ; vận động, hướng dẫn người thân, bà con trong làng, thôn cùng nhau phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Kết quả đáng phấn khởi là kinh tế vùng đồng bào DTTS những năm qua không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 – 5%; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện rõ rệt.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Đinh Drin nhận xét: Toàn huyện có 32 NCUT trong đồng bào DTTS, mỗi người như một tuyên truyền viên tích cực tham gia giải quyết tốt những mâu thuẫn ở khu dân cư, góp phần cùng chính quyền cơ sở giữ vững ANTT khu vực tuyến núi.
Toàn tỉnh hiện có 10.621 hộ, 41.768 người DTTS (thuộc 39 dân tộc, chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh) sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 119 thôn, làng. Trong đó, có 3 dân tộc chiếm đa số gồm: Bana có 21.650 người, H’rê có 11.112 người, Chăm có 6.364 người. |