BVR&MT – Vụ đông xuân 2021 – 2022, xã Cát Minh – huyện Phù Cát thực hiện chuyển toàn bộ diện tích 400 ha lúa từ chân 3 vụ sang sản xuất 2 vụ/năm; đồng thời phối hợp với Công ty Thái Bình seed miền Trung và Tây nguyên triển khai sản xuất đại trà giống lúa BC15 có gen kháng đạo ôn và sản xuất khảo nghiệm giống TBR97. Qua thực tế sản xuất bước đầu đã cho kết quả khả quan, được nông dân đồng tình hưởng ứng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; ngay từ đầu vụ, xã Cát Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của người dân; đồng thời phối hợp với Công ty Thái Bình seed miền Trung và Tây nguyên cung ứng giống BC15 có gen kháng đạo ôn để sản xuất trên diện tích 200 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Trung Chánh – đây là giống lúa cảm đạo ôn, đẻ nhánh khỏe, cao cây, bông to, dài, nhiều hạt, có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày và đưa vào triển khai mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa TBR97 trên diện tích 0,5 ha ở thôn Trung Chánh, có 7 hộ nông dân tham gia – đây cũng là giống cảm đạo ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trỗ tập trung, cho cơm mềm, thơm và có thời gian sinh trưởng ngắn. Cả 2 giống lúa đều có mật độ sạ thưa 4 – 5kg giống/sào 500 m2 . Trong suốt quá trình sản xuất, nông dân đã tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống đến đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh nên tiết kiệm được chi phí đầu tư do hạn chế sử dụng thuốc BVTV, nhưng trỗ tập trung, bông sáng và năng suất ước đạt khoảng 80tạ/ha, tăng 05 tạ/ha so với các loại giống lúa khác trên cùng chân đất.
Đứng trước thửa ruộng vàng óng hạt lúa của mình, nông dân Nguyễn Văn Thuật ở thôn Trung Chánh – xã Cát Minh – người trực tiếp tham gia sản xuất giống lúa khảo nghiệm TBR97 bày tỏ như thế này: “Gia đình tôi làm 2 sào giống lúa TBR97. Tôi thấy cây lúa sinh trường phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh nên không hề phun một loại thuốc BVTV nào, cây lúa trỗ nhanh, hạt sáng, dày bông. So với các giống lúa trước đây tôi làm thì giống này dễ làm, ít tốn chi phí chăm sóc mà năng suất lại đạt cao”.
Không những nâng cao năng suất cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, mà chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa/năm bằng các giống lúa có chất lượng còn tạo ra nông sản sạch, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thông qua chuyển đổi bước đầu đã nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng tăng năng suất và lợi nhuận cho gia đình, tạo sự gắn kết giữa khoa học và thực tiễn; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính hàng hóa.
Ông Châu Văn Hùng – PCT UBND xã Cát Minh cho biết: “Từ thành công này, thời gian tới xã Cát Minh tiếp tục vận động nhân dân duy trì thực hiện chuyển từ 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhằm tiết kiệm nước tưới, chi phí đầu tư và để đất có thời gian nghỉ ngơi, tăng độ phì, tiêu diệt mầm bệnh để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Đồng thời, địa phương cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị cung ứng giống và các ngành chức năng trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, nhất là tạo thói quen sạ thưa hợp lý để tiết kiệm chi phí giống, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển và đạt hiệu quả cao nhất”.
Từ hiệu quả của 2 loại giống lúa này, ngành nông nghiệp huyện Phù Cát khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích sản xuất trong các vụ tới, vừa đạt năng suất cao vừa mang lại hiệu quả kinh tế; bởi 2 loại lúa này chất lượng sản phẩm cao cơm ngon, người tiêu dùng ưu thích.
Trường Giang – Thế Hà