BVR&MT – Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra biến động lớn trên toàn cầu trong năm nay, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán.
Trong 3 tháng qua, mưa lớn gây lũ lụt thảm khốc ở Bangladesh và các đợt nắng nóng gay gắt đã hoành hành khu vực Nam Á và châu Âu.
Trong khi đó, hạn hán kéo dài đã khiến hàng triệu người đứng trước bờ vực nạn đói ở Đông Phi. Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học cho rằng phần lớn điều này là do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Research hôm 28-6, các nhà khoa học xác nhận có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nhà khoa học về khí hậu Friederike Otto, đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, cho biết các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng nhiều hơn do biến đổi khí hậu. Một đợt nắng nóng trước đây có 1/10 cơ hội xảy ra thì hiện nay khả năng này tăng gần gấp 3 lần và nhiệt độ đã tăng hơn 1 độ C so với thời điểm chưa xảy ra biến đổi khí hậu.
Nắng nóng và hạn hán cũng đang làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng. Theo Sở Lâm nghiệp Mỹ, cháy rừng nghiêm trọng ở bang New Mexico hồi tháng 4 thiêu rụi gần 138.000 ha rừng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đã chứng kiến lũ lụt trên diện rộng sau những trận mưa lớn trong khi Bangladesh cũng hứng chịu trận lụt lớn. Nhìn chung, các trận mưa lớn đang trở nên phổ biến và dữ dội hơn.
Trong khi đó, Nhật Bản đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong gần 150 năm qua. Nhiệt độ tại thủ đô Tokyo hôm 28-6 vượt mức 35 độ C trong ngày thứ 3 liên tiếp. Đây là đợt nắng nóng tháng 6 tồi tệ nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1875. Khoảng 76 người đã nhập viện do thời tiết cực đoan ở Tokyo.
Nhằm giúp các quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm ngoái, Anh và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 27-6 đã thành lập Liên minh Hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH).
Bà Maria Neira, Giám đốc Bộ phận Biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe của WHO, cho biết: “Liên minh mới này nhằm duy trì động lực và thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu và y tế ở cấp quốc gia, giúp các nước thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và thực thi là ưu tiên hàng đầu.