BVR&MT – Việc cải tạo những bãi rác, đầm lầy thành công viên, điểm vui chơi giải trí mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng đang trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp tại TP HCM.
Bây giờ, khi đến công viên tại hẻm 2695 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP HCM, cảm giác mọi thứ ở đây đều tươi mới, mát mẻ, không khí trong lành. Đối với người dân nơi đây, công viên này không chỉ là chỗ dạo mát, tập thể dục mà còn là nơi gắn kết cộng đồng.
Cuộc sống tươi xanh
Em Lý Ngọc My cho biết từ ngày có công viên tại hẻm 2695 Phạm Thế Hiển, chi đoàn khu phố đã có nơi tổ chức điểm sinh hoạt cộng đồng lý tưởng.
Trước đây, khu vực này là đầm lầy, ken đặc rác thải, ruồi muỗi, xác động vật… Sau một thời gian vận động xã hội hóa, gần nửa tỉ đồng được đầu tư cho khoản đất 450 m2, biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng của người dân vào mỗi buổi sáng và chiều tối.
Tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, một người dân sống cạnh vườn rau rộng hơn 1.000 m2 trên đường số 13 cho biết trước đây, khu đất này được quy hoạch xây trường học nhưng gặp nhiều vướng mắc nên chưa thể thực hiện. Do bỏ hoang nhiều năm, khu đất bị cỏ dại mọc um tùm rồi trở thành nơi tập kết rác tự phát. Tháng 10-2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cát Lái kiến nghị với UBND phường “mượn” khu đất này, đồng thời vận động nguồn lực xã hội hóa để cải tạo thành vườn rau.
Dưới chân cầu vượt Ngã tư Ga vào đường Hà Huy Giáp, quận 12, bãi đất trống đầy rác thải ô nhiễm ngày nào nay đã thành công viên Thanh Niên rộng gần 1.000 m2 với cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ mát rượi. Trong công viên có hẳn một khu trò chơi với xích đu, bập bênh, cầu tuột dành cho trẻ con. Bên ngoài, 10 máy tập thể dục đặt tươm tất dành cho người lớn.
Đây là công trình “biến bãi rác thành công viên”, được UBND phường Thạnh Lộc cùng Đảng ủy khu phố 3A kêu gọi người dân chung tay thực hiện với kinh phí vận động 170 triệu đồng. Nhờ đó, bãi đất trống đầy rác thải ô nhiễm đã trở thành công viên, đưa vào sử dụng tháng 4-2017.
Chính quyền và người dân chung tay
Để nâng cao chất lượng môi trường cho người dân TP HCM, việc tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn tiếp tục được các quận, huyện và TP Thủ Đức quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Quận 12 là một trong những địa phương chuyển hóa nhiều bãi rác thành công viên. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 12, cuối năm 2018, nhận thấy các đoàn thể, địa phương không thể dọn mãi những điểm rác lưu cữu nên quận mới xây dựng mô hình “Biến bãi rác thành công viên” và đưa vào áp dụng. Mô hình này mang đến giá trị kép, khi vừa nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân vừa tạo ra hiệu quả bền vững trong quá trình xóa các điểm nóng rác thải lưu cữu.
Đến nay, 78/78 điểm rác lưu cữu ở quận 12 đã được giải quyết, trong đó chuyển hóa 35 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (sân bóng chuyền, công viên, vườn hoa…). Muốn thực hiện được việc này không chỉ đòi hỏi vai trò vận động của chính quyền địa phương mà còn cần sự chung tay đóng góp của người dân.
Tại quận 8, không chỉ xóa 18/18 điểm rác tồn đọng, để phát huy hiệu quả các mảng xanh trên địa bàn, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận cho biết ngoài việc tăng cường giám sát, xử lý trực tiếp, UBND quận còn chỉ đạo UBND 16 phường phát huy hiệu quả 1.415 camera công cộng. Cơ quan chức năng sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera này làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng; đồng thời rà soát những điểm nóng, tiếp tục lắp đặt camera ghi hình.
Đại diện Phòng TN-MT TP Thủ Đức cũng cho biết từ năm 2019 đến nay, chính quyền địa phương đã kiểm tra, giám sát, xóa được 140/201 điểm rác tồn đọng, ô nhiễm. Một số vị trí rác thường xuyên tái phát sinh đã được chuyển hóa thành công viên, vườn hoa, vườn rau, khu vui chơi thiếu nhi, thể dục thể thao ngoài trời, như: Khu tiểu đảo Chu Văn An ở phường Hiệp Phú, khu công viên chung cư C1-C2 ở phường Hiệp Phú, khu đất trống ở khu phố 6 tại phường Hiệp Bình Chánh, khu đất trống trên đường Lê Quý Đôn tại phường Bình Thọ…
“TP Thủ Đức tiếp tục nhân rộng, lan tỏa các công trình, giải pháp sáng tạo có hiệu quả và các gương điển hình trong việc thực hiện Chỉ thị 19, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm còn tái phát sinh về rác trên địa bàn, không để tồn đọng gây mất mỹ quan đô thị. Thủ Đức còn tăng cường vận động xã hội hóa việc lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng về môi trường” – đại diện Phòng TN-MT TP Thủ Đức khẳng định.
Theo Sở TN-MT TP HCM, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đến nay, thành phố đã giải tỏa được 989/1.002 điểm ô nhiễm về rác thải; chuyển hóa 243 điểm thành công viên, vườn hoa.
Trong năm 2022, TP HCM ghi nhận trên địa bàn phát sinh 113 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải. Các địa phương đã giải tỏa thêm 136 điểm ô nhiễm rác thải và tiếp tục chuyển hóa thêm 50 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…). |