BVR&MT – Trước tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng gay gắt đến sản xuất và đời sống, nông dân Bến Tre đã có những chuyển đổi thích ứng linh hoạt trong sản xuất, chăn nuôi “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nếu như trong đợt hạn mặn “kỷ lục” đầu tiên xảy ra năm 2016, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, ông không chuyển đổi 6.000 m2 đất trồng lúa để lên líp trồng dừa thì giờ đây cuộc sống có lẽ sẽ vất vả rất nhiều.
Ông Hiệp cho hay, năm 2016 nước mặn xâm nhập sâu nội đồng, độ mặn cao, kéo dài nhiều tháng trời. Nhận thấy trồng lúa không còn hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển sang lên líp trồng dừa xiêm dứa và trồng cỏ nuôi bò nái sinh sản. Sau 3 năm dừa cho trái, kết hợp chăn nuôi 5 bò nái sinh sản, mỗi năm thu nhập từ 80-100 triệu đồng.
Ông Hiệp so sánh, sau đợt hạn mặn 2016, những năm tiếp theo tình trạng hạn, mặn càng diễn ra gay gắt. Nếu như để đất trồng lúa cho đến nay thu nhập mỗi năm từ 6.000 m2 không đủ trang trải cho cuộc sống 4 người trong gia đình. Giờ đây, thu nhập từ trồng dừa kết hợp chăn nuôi cao hơn gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Ông Hiệp chia sẻ, nhờ có sự khuyến cáo của ngành chức năng về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình.
Với 1,3 ha trồng lúa của gia đình, sau khi hạn, mặn ảnh hưởng ngày càng gay gắt, trồng lúa không còn hiệu quả, thêm nữa tình trạng giá phân bón ngày càng tăng, chi phí sản xuất lúa tăng lên, ông Trương Văn Tâm, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre lại có cách chuyển đổi phù hợp hơn trong sản xuất.
Ông Tâm cho biết, gia đình trước đây có chăn nuôi bò nhưng với số lượng ít. Nhận thấy các khu vực ruộng làm lúa không còn hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Lúc đầu, ông Tâm chuyển 3.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ và nâng số lượng đàn bò lên 6 con nái sinh sản. Bên cạnh đó, ông vẫn sản xuất lúa diện tích còn lại để lấy rơm làm thức ăn cho bò. Sau 3 năm, ông Tâm nhận thấy vừa chăn nuôi, vừa sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn. Do vậy ông Tâm chuyển đổi thêm 3.000 m2 trồng thêm cỏ, nâng đàn bò lên 10 nái sinh sản và nuôi thêm bò đực vỗ béo.
Hiện nay, mỗi năm ông Tâm thu nhập hơn 120 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng lúa. Ông Tâm chia sẻ, nếu như trước đây trồng lúa 3 vụ/năm, hiện nay do ảnh hưởng hạn mặn trồng được 1-2 vụ/năm, nên nếu không có sự chuyển đổi thuận theo điều kiện hiện nay, kinh tế gia đình sẽ không ổn định được.
Theo ông Tâm giờ đây khi chăn nuôi đóng vai trò chủ đạo, việc kết hợp trồng lúa, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi sẽ tăng nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất, giúp kinh tế người dân ổn định, phát triển hơn.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều hộ dân đã chuyển đổi hiệu quả hình thức chăn nuôi bò, dê chịu mặn tốt kết hợp với trồng cỏ, trồng lúa hoặc trồng cỏ xen dừa để làm thức ăn cho gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ sản xuất đơn thuần như trước đây. Nông dân đã thuận theo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, “thuận thiên” để có hướng đi phù hợp phát triển kinh tế hiệu quả.
Hiện nay, tổng đàn bò trong tỉnh hơn 200 nghìn con, đàn dê hơn 179 nghìn con. Các diện tích trồng lúa, trồng cây kém hiệu quả cũng được người dân chuyển đổi hình thức sản xuất phù hợp điều kiện từng vùng, từng khu vực. Người dân đã chủ động trữ nước ngọt kết hợp các công trình ngăn mặn trữ ngọt, giúp sản xuất được tốt hơn trong thời điểm hạn mặn xảy ra.
Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả, cùng với đó kêu gọi người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm góp phần sản xuất ngày càng bền vững hơn.