BVR&MT – Sau khi thành công với hệ thống “bẫy” nhựa trên đại dương, tổ chức Ocean Cleanup mới đây đã đưa ra giải pháp đầu tiên trên thế giới để loại bỏ nhựa khỏi sông. Việt Nam là một trong bốn nước được lắp đặt hệ thống chặn rác từ sông đầu tiên này.
Sự phát triển của máy chặn rác nhựa của Ocean Cleanup đã được hỗ trợ bởi một nhiệm vụ nghiên cứu kéo dài hai năm giữa start-up phi lợi nhuận Hà Lan và công ty Danone, một tập đoàn sản phẩm thực phẩm đa quốc gia của Pháp. Chia sẻ hàng thập kỷ bí quyết đóng gói, Danone cùng với các thương hiệu evian và Aqua, đã giúp The Ocean Cleanup phân tích và phân loại các mảnh vỡ thu thập được từ nguyên mẫu đầu tiên ở Indonesia, cũng như hiểu rõ hơn những thách thức trong việc trích xuất và xử lý chất thải được thu hồi.
Thiết bị đánh chặn đã được phát triển trong bí mật từ năm 2015. Đây là giải pháp mở rộng đầu tiên để ngăn chặn ô nhiễm nhựa sông và có thể được triển khai trên toàn thế giới. Nó có khả năng trích xuất 50.000 kg rác mỗi ngày, thậm chí đạt tới 100.000 kg mỗi ngày trong điều kiện tối ưu hóa.
Máy đánh chặn này chạy bằng 100% năng lượng mặt trời với pin lithium-ion cho phép nó hoạt động cả ngày lẫn đêm mà không có bất kỳ tiếng ồn hay khói thải nào. Hệ thống được neo vào lòng sông để tận dụng dòng chảy tự nhiên của dòng sông để “bắt” nhựa và được thiết kế để hoạt động tự chủ 24/7. Mục đích của hệ thống là khai thác chất thải nhựa mỗi ngày từ 1.000 con sông bị ô nhiễm nhất trên thế giới được xác định là nguồn thải của 80% rác nhựa ra đại dương.
Chất thải được thu thập bởi thiết bị chặn rác được kéo ra khỏi nước bằng băng chuyền và đưa lên sáu thùng rác nằm trên một xà lan riêng. Khi đầy, nó sẽ tự động thông báo cho các nhà khai thác địa phương để đưa sà lan trở lại bờ và mang rác nhựa đi tái chế.
Loại bỏ nhựa khỏi đại dương cần bắt đầu từ các con sông
Được thành lập bảy năm trước bởi doanh nhân Boyan Slat, sứ mệnh của Ocean Cleanup là đạt được mức giảm 90% ô nhiễm nhựa đại dương trên toàn thế giới vào năm 2040.
Trong buổi thuyết trình trực tiếp, người sáng lập và CEO Boyan Slat của Ocean Cleanup đã tiết lộ mục tiêu của anh không phải là trở thành “người thu gom rác của đại dương” mà là phải chặn nó từ các nguồn là các dòng sông. Anh giải thích: “Để thực sự loại bỏ nhựa khỏi các đại dương, chúng ta cần phải làm sạch sông và ngăn chặn không cho nhựa tiếp cận với các đại dương ngay từ đầu. Kết hợp giữa hệ thống “bẫy” nhựa làm sạch đại dương với máy chặn rác, chúng tôi đã có các giải pháp để giải quyết cả “hai mặt của phương trình”.
Hơn 5 nghìn tỷ mảnh nhựa hiện đang nằm trên đại dương. Nếu không được kiểm soát, nhựa sẽ tác động đến hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và nền kinh tế toàn cầu.
“Đặt máy chặn rác xuống sông sẽ không giải quyết được mọi thứ”, nhà khoa học Laurent Lebreton của Ocean Cleanup nói, “nhưng nó sẽ giúp đi ngược dòng và cố gắng thay đổi hành vi.”
Hợp tác với các chính phủ và các công ty tư nhân, Ocean Cleanup đặt mục tiêu giải quyết 1.000 con sông gây ô nhiễm nhất trong thời gian 5 năm.
Đến nay, Ocean Cleanup đã xây dựng được bốn hệ thống chặn rác, hai hệ thống đã hoạt động tại Jakarta (Indonesia) và Klang (Malaysia). Hệ thống thứ ba sẽ được lắp đặt tại Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Còn hệ thống thứ tư được định sẵn sẽ được triển khai tại Santo Domingo (Cộng hòa Dominican). Ngoài những địa điểm này, Thái-lan đã đăng ký triển khai hệ thống chặn rác gần Bangkok và một số thỏa thuận tiếp theo sắp hoàn thành, trong đó có một hệ thống ở LA Country (Mỹ).
Theo The Ocean Cleanup, hàng rào nổi của máy chặn rác được sử dụng để dẫn rác vào hệ thống chỉ kéo dài một phần của dòng sông để nó không cản trở việc vận chuyển. Ngoài ra, tổ chức này tuyên bố nó không gây hại cho sự an toàn hoặc di chuyển của động vật hoang dã. Một máy tính có kết nối internet sẽ theo dõi hiệu suất, mức sử dụng năng lượng và hoạt động của các thành phần trong hệ thống.
Trước đó, vào tháng 9, Ocean Cleanup đã công bố mẫu hệ thống “bẫy” rác trên đại dương mới nhất của họ đã “bắt” được nhựa thành công. Tháng 12-2018, họ đã thất bại khi một mẫu “bẫy” nhựa không hoạt động và phải được đưa trở lại vào bờ để sửa chữa.