BVR&MT – Theo lộ trình do tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề ra đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế.
Tuy nhiên, phương án trên vẫn chưa thể thực hiện, vì đến thời điểm này, tỉnh chưa có dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, tái chế nào đi vào hoạt động. Đáng chú ý, hiện tỉnh chỉ có một dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp nên đang phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, tái chế chưa thể hoạt động
Theo lộ trình đề ra đến năm 2021, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chấm dứt việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và thay vào đó là xử lý bằng các công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường… Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa thể thực hiện được.
Trong số 3 dự án ở đất liền được cấp giấy chứng nhận đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có 1 dự án đang hoạt động là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn KBEC Vina tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với 38 ha. Dự án này hiện đang áp dụng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh với công suất khoảng 920 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện Khu chôn lấp của Công ty đã quá tải. Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ chôn lấp khiến Khu xử lý chất thải tập trung này phát sinh nhiều vấn đề về môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Dự án của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Bảo Ngọc chưa thực hiện xong việc di dời (từ phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ) vào Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên nên chưa thể đưa vào hoạt động.
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Láng Dài (huyện Đất Đỏ) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Green HC làm chủ đầu tư có diện tích l50 ha, tổng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 299 tấn/ngày được chia làm 2 giai đoạn. Công ty đã đầu tư giai đoạn 1 khoảng 90% nhưng vẫn bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, do dự án triển khai chậm 3 năm, lại không còn phù hợp với thực tế nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt dự án này.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của địa phương hiện đang có xu hướng tăng nhanh; trong khi đó, việc thu gom và xử lý đang quá tải, dễ xảy ra ô nhiễm môi trường. Đến nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom trên địa bàn trung bình khoảng 920 tấn/ngày. Số rác này được thu gom và chôn lấp hợp vệ sinh trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Đến năm 2025, dự kiến khối lượng rác phát sinh trên địa bàn vào khoảng 1.590 tấn/ngày.
Riêng huyện Côn Đảo, lượng rác thải phát sinh hàng ngày vẫn đang sử dụng hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh tại khu vực Bến Đầm, một phần được đốt bằng lò đốt rác thô sơ thông thường. Đến nay, địa phương còn tồn khoảng hơn 70.000 tấn rác thải chưa được xử lý. Đi dọc tuyến đường từ cảng Bến Đầm về trung tâm Côn Đảo, núi rác bốc mùi hôi thối.
Các đơn vị thu gom trên huyện Côn Đảo đang thu gom rác thải cho hơn 1.840 hộ gia đình, 32 đơn vị sự nghiệp và khoảng 50 cơ sở doanh nghiệp với khoảng 11 tấn rác/ngày. Hàng năm, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tăng từ 5 – 10%. Trong khi đó, mỗi ngày lò đốt tại huyện hoạt động hết công suất cũng chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác, số còn lại chất đống tại Bãi Nhát.
Trong năm 2019, qua nhiều cuộc họp bàn, huyện Côn Đảo đã đề xuất phương án ép rác thành từng khối chở về đất liền xử lý với kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá kỹ, trên cơ sở ý kiến các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất bỏ phương án này bởi chi phí đóng gói, vận chuyển, chôn lấp quá cao, không hiệu quả. Thay vào đó, tỉnh chọn phương án xử lý rác tồn bằng công nghệ đốt ngay tại Côn Đảo.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nêu rõ, các dự án sử dụng công nghệ đốt, thu hồi năng lượng chậm triển khai là do năng lực chủ đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục liên quan cho các dự án (thủ tục môi trường, giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở…) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương.
Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án. Bên cạnh đó, việc đầu tư nhà máy đốt rác, phát điện có công nghệ tiên tiến đòi hỏi chi phí lớn (chẳng hạn như dự án tại Cần Thơ cần khoảng 1.000 tỷ đồng) nên phải lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, có năng lực triển khai, công nghệ hiện đại.
Nhiều giải pháp gỡ khó
Trước những bất cập trên, thực hiện Thông báo 572/TB-TU ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo tỉnh sớm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên kết hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo bằng nguồn xã hội hóa.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên.
Theo đó, dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt có công suất khoảng 1.000 tấn rác/ngày, với diện tích sử dụng đất không quá 5 ha; yêu cầu phải là công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện có nguồn gốc, xuất xứ thuộc các nước phát triển được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan xác nhận, đảm bảo chất thải phát sinh trong giai đoạn vận hành được tái sử dụng tối đa, xử lý đạt các quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng đã có báo cáo UBND tỉnh về thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác Côn Đảo tại huyện Côn Đảo theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, dự án sẽ có công suất xử lý không quá 50 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày; phân chia giai đoạn đến năm 2030 là 30 tấn/ngày và đến năm 2040 là 50 tấn/ngày.
Tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Dự án có quy mô khoảng 1,9 ha tại khu vực Bến Đầm; ưu tiên dây chuyền công nghệ đốt có nguồn gốc xuất xứ thuộc các nước phát triển, đáp ứng được các quy định, quy chuẩn quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Sơn Hải cho biết thêm: Sở đang lấy ý kiến để chuẩn bị triển khai đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030. Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu sẽ là một trong những địa phương đi đầu thực hiện hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt.