BVR&MT – Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng, trong đó Chương III của Nghị định quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng là các công ty lâm nghiệp được ban hành vào 01/01/2019, có hiệu lực thi hành từ 15/02/2019. Sau hơn 5 năm thực thi Nghị định, đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn, dưới góc nhìn của một chuyên gia về lĩnh vực lâm nghiệp, Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có buổi phỏng vấn ông Đoàn Diễm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm, Bộ NN&PTNT (1994-1998) và Trưởng ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT (1999-2002) xoay quanh về vấn đề này.
Phóng viên: Điều 11 của Nghị định 01/2019/NĐ-CP quy định ”Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Kiểm lâm Trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý” là phù hợp về mặt tổ chức nhưng quy định tại điểm 2 điều 6 của Nghị định về Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lại không phù hợp về chức năng, quyền hạn được giao, khi quy định Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Kiểm lâm cấp huyện và các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện chương trình, kế hoạch về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc phạm vi được giao. Vậy trong trường hợp đơn vị để xảy ra các vi phạm Ban Quản lý rừng hay Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có phải chịu trách nhiệm?
Ông Đoàn Diễm: Đây là điều bất cập về tổ chức. Rõ ràng theo Nghị định thì Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải chịu trách nhiệm vì Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ là đơn vị phối hợp. Theo Điểm 2 điều 11 của Nghị định quy định Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập nếu có diện tích từ 15.000ha trở lên và Kiểm lâm rừng phòng hộ có diện tích từ 20.000ha trở lên là không hợp lý, vì việc quyết định có thành lập Kiểm lâm của các khu rừng trước hết phải phụ thuộc vào mức độ xâm hại rừng và sau đó vào mức độ quan trọng của khu rừng về mặt môi trường sinh thái hay phòng hộ, chứ không thể là diện tích rừng. Việc thành lập Kiểm lâm của các khu rừng này nên quy định tại Nghị định sửa đổi (nếu có) là giải pháp tình thế (ngoại lệ), khi mức độ xâm hại tại khu rừng đó là rất nghiêm trọng, cần phải có một tổ chức đủ mạnh để xử lý vi phạm và một khi mức độ xâm hại rừng giảm thiểu, thì sẽ giải thể tổ chức này và thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như các Ban Quản lý rừng khác dưới sự chỉ đạo chung của Ban Quản lý rừng. Có như vậy Nghị định mới khắc phục được mâu thuẫn đã nêu tại điều 6 của Nghị định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Phóng viên: Một thực trạng đáng buồn hiện nay hàng loạt Kiểm lâm viên bỏ việc xảy ra ngày càng phổ biến bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, chế độ chính sách là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Nghị định 01/2019/NĐ-CP có bộc lộ những bất cập liên quan đến tình trạng này không? Thưa ông.
Ông Đoàn Diễm: Theo Nghị định, chế độ chính sách của công chức Kiểm lâm là rất rõ ràng: được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật và khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, chế độ chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng lại rất chung chung: Viên chức thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng chế độ lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật và đặc biệt là người lao động hợp đồng được chủ rừng bảo đảm chế độ lương và các chế độ khác theo hợp đồng lao động và theo quy định của pháp luật. Lực lượng này chưa có chế độ lương, phụ cấp theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ đãi ngộ khác như lực lượng Kiểm lâm, chưa có quy định cụ thể về các nguồn chi trả cho các hợp đồng lao động, không có chế độ thương binh, liệt sỹ như công chức Kiểm lâm…
Hiện nay, vẫn đang có sự khác biệt lớn giữa công chức Kiểm lâm và viên chức Kiểm lâm: Thu nhập của viên chức Kiểm lâm thấp hơn nhiều so với công chức Kiểm lâm dù có cùng nhiệm vụ bảo vệ rừng và hoạt động trên cùng địa bàn. Nghị định 01 quy định chuyển đổi viên chức Kiểm lâm của các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không đủ tiêu chuẩn về diện tích phải chuyển thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đồng nghĩa, họ sẽ có chế độ lương, phụ cấp đãi ngộ thấp hơn và quyền hạn thực thi pháp luật thấp hơn và dẫn đến tình trạng đã có một số người xin nghỉ việc và khó tuyển lao động cho nhiệm vụ này. Người lao động hợp đồng còn có thu nhập thấp hơn nhiều do không có nguồn chi trả bền vững và không có chế độ chính sách đãi ngộ và quyền hạn như công chức, viên chức Kiểm lâm.
Phóng viên: Song song với những bất cập về chế độ chính sách còn là vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng trong quá trình thực thi Nghị định 01/2019/NĐ-CP. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đoàn Diễm: Việc đưa Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ về Cục Kiểm lâm và Chi cục kiểm lâm tỉnh dẫn tới quan hệ giữa Chủ rừng và Kiểm lâm chỉ là quan hệ phối hợp và không thể xác định trách nhiệm của Chủ rừng khi xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Không những vậy, việc tách lực lượng Kiểm lâm với Chủ rừng cũng không đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác được giao như quản lý rừng, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm… Trừ một số khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đủ điều kiện thành lập Hạt Kiểm lâm, còn đa số các khu rừng còn lại sẽ chỉ có lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng và việc tuần tra bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính. Họ lập lán trại trong rừng để bảo vệ rừng tại chỗ, phải có mặt tại rừng 24/24 giờ và 06 ngày trong tuần, hầu hết sống không có điện lưới, điện thoại, điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại khó khăn, thường xuyên trèo đèo lội suối, phải thường xuyên đối diện với lâm tặc có vũ khí sẵn sàng tấn công Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng nhưng chế độ lương và phụ cấp thấp hơn nhiều so với công chức, viên chức Kiểm lâm và khi không may bị tấn công dẫn đến bị thương nặng, thậm chí có thể hy sinh tính mạng, lại không được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ như công chức, viên chức Kiểm lâm. Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ, không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử lý vi phạm, phải thường xuyên đối mặt với lâm tặc có vũ khí tấn công xâm hại đến sức khỏe và tính mạng, dẫn đến việc thực hiện pháp luật bảo vệ rừng kém hiệu quả và nguy cơ tài nguyên rừng bị xâm hại là rất cao.
Phóng viên: Để những cánh rừng mãi xanh, để Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có thể gắn bó suốt đời với việc bảo vệ rừng, nếu “nghề bảo vệ rừng” này có thể nuôi sống chính bản thân và gia đình của họ. Cá nhân ông có thể đưa ra một vài khuyến nghị, giải pháp phù hợp gì để Nghị định 01/2019/ NĐ-CP ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hơn?
Ông Đoàn Diễm: Trước những thực trạng do bất cập từ Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng, cá nhân tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất: Về tổ chức cần sửa đổi quy định tại điều 11 của Nghị định 01 về tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và bổ sung các quy định chuyển tiếp:
– Sửa đổi quy định các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được tạm thời thành lập Hạt Kiểm lâm là các khu rừng có giá trị bảo tồn và phòng hộ cao đang hoặc có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng mà không phụ thuốc vào diện tích khu rừng.
– Tiếp tục giao Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho chủ rừng đặc dụng, phòng hộ trực tiếp quản lý như hiện nay cho đến khi có quy định mới thay thế.
– Đối với các Ban Quản lý đã có Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhưng chưa đủ tiêu chí và phải chuyển thành Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng, sẽ được duy trì cho đến khi Chính phủ ban hành đầy đủ quy chế, quy định về tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng.
Thứ hai: Sửa đổi, bổ xung chế độ, chính sách đãi ngộ cho Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng:
– Chế độ chính sách đãi ngộ cho Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng cần bảo đảm quyền lợi (mức lương, phụ cấp, chế độ thương binh, liệt sĩ… tương đương với công chức, viên chức Kiểm lâm) để có thể thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng có hiệu quả.
– Cần quy định rõ mức lương, phụ cấp đặc thù cho Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng phải dựa trên nguyên tắc ”lương và phụ cấp các loại của họ (nếu có) tối thiểu phải đủ nuôi sống bản thân và một người phụ thuộc” để khuyến khích người lao động có năng lực tham gia bảo vệ rừng lâu dài. Cần có quy định về chế độ đãi ngộ cho lực lượng này khi trực tiếp làm việc bị hy sinh hay bị thương được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ như công chức, viên chức Kiểm lâm.
– Theo quy định của Luật Lao động thì người lao động làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm. Nhưng với các đơn vị bảo vệ rừng, chỉ trong 3 tháng mùa hè liên quan đến phòng, chống cháy rừng thì số giờ làm thêm của người lao động đã vượt quá mức quy định; bên cạnh đó, đặc thù nghề bảo vệ rừng không được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, nhưng do thiếu nhân lực nên rất khó bố trí nghỉ bù… Vì vậy, Nghị định cần có quy định về việc nghỉ bù hoặc trả tiền bồi dưỡng cho họ, cũng như nguồn kinh phí cụ thể để chi trả.
– Nhà nước cần có nguồn hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng cho các Công ty lâm nghiệp thiếu nguồn thu, để ký hợp đồng lao động đối với lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng đặc biệt là rừng tự nhiên.
Thứ ba: Liên quan đến quyền hạn của Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng. Việc chuyển từ công chức, viên chức Kiểm lâm sang Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP, sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thi hành công vụ. Cụ thể, trường hợp phát hiện vụ vi phạm hiện trường ở trong rừng, do Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng không có thẩm quyền xử lý và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong khi Hạt kiểm lâm cấp huyện lại ở cách xa hiện trường, nên khi phát hiện các vụ vi phạm, thông báo cho Kiểm lâm đến hiện trường thì không thể kịp thời ngăn chặn vi phạm (nhất là ở các vùng sâu vùng xa, vào các ngày nghỉ, ngày lễ, vùng không phủ sóng điện thoại…). Còn nếu Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng tự ý tạm giữ phương tiện, tang vật, người vi phạm thì lại trái quy định của pháp luật.
Vì vậy đề nghị sửa đổi quyền hạn của Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng được quyền tạm giữ phương tiện, tang vật, người vi phạm trong thời hạn nhất định và sau đó phải bàn giao ngay cho lực lượng Kiểm Lâm hoặc chính quyền địa phương để tiếp tục xử lý. Tôi cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành một Nghị định riêng cho Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng thay thế Nghị định 01 trong đó quy định cụ thể về tổ chức, quyền hạn, chế độ chính sách đãi ngộ cho lực lượng này với các quyền hạn, chế độ chính sách đãi ngộ và một số quy định chuyển tiếp như đã nêu trong Khuyến nghị thứ nhất. Chính phủ nên giao cho Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ có liên quan để sớm xây dựng đầy đủ các chức danh lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bảng lương, phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác cho các chức danh của Lực lượng Chuyên trách bảo vệ rừng tương tự như của lực lượng Kiểm lâm.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Quỳnh Anh (thực hiện)