BVR&MT – Xác định rõ lợi thế của địa phương là kinh tế đồi rừng, những năm qua huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phát huy tiềm năng địa phương với trọng tâm là lĩnh vực lâm nghiệp và có nhiều chuyển biến tích cực.
Huyện Bảo Yên có tổng diện tích đất tự nhiên 81.834,3ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 75,5% (tương đương 61.770 ha), đất có rừng của huyện là 50.584,97ha, trong đó 47.800ha diện tích đã thành rừng. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện Bảo Yên đã trồng mới được 10.000 ha rừng (bình quân vượt 25-30%/năm) và được đánh giá là huyện có tỷ lệ trồng rừng vượt chỉ tiêu lớn nhất tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020.
Là địa bàn hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng đất đai thuận lợi cho phát triển cây lâm nghiệp, huyện Bảo Yên đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để tạo đà cho ngành kinh tế lâm nghiệp bứt phá, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội của toàn huyện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
Được biết, trong các loại cây lâm nghiệp thì ở Bảo Yên nổi lên là cây quế. Đây là loài cây thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và có giá trị kinh tế cao, nên từ lâu cây quế đã được xác định là một trong các cây trồng lâm nghiệp chủ lực của vùng đất này.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai, diện tích quế của huyện Bảo Yên chiếm trên 50% tổng diện tích quế toàn tỉnh Lào Cai (21.000 ha), trong đó 9.805 ha đang cho thu hoạch, trồng mới lũy kế năm 2020 là 1.389.5 ha.
Mỗi năm, sản lượng quế của Bảo Yên xuất bán ra thị trường khoảng 220 tấn; trung bình mỗi 1 ha quế đem lại nguồn doanh thu khoảng 700 triệu – 1 tỷ đồng/chu kỳ (07 năm). Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ giống cây trồng này, thời gian qua huyện Bảo Yên đã liên kết để hình thành các cơ sở chế biến, chiết xuất tinh dầu quế tại chỗ với 03 nhà máy, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và phân phối ra các vùng phụ cận.
Ngoài cây quế, địa phương phát triển rừng trồng các loại cây lấy gỗ, cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn, tre, nứa… cùng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đan xen dưới các tán rừng.
Cùng với đó huyện Bảo Yên đã chú trọng vào phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là sản xuất ván gỗ ép. Tại địa phương, đã có những công ty sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu với quy mô công nghiệp lớn nhất tỉnh Lào Cai như Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên, có tổng công suất 210.000 m3 sản phẩm/năm với các dự án thành phần là nhà máy sản xuất ván tre, nhà máy sản xuất ván dán, nhà máy sản xuất ván MDF và nhà máy sản xuất ván thanh.
Hiện sản phẩm đầu ra của công ty được tiêu thụ ổn định, chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, doanh thu hằng năm ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan để địa phương tiếp tục phát triển mở rộng, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu gỗ.
Tìm hiểu thêm chúng tôi còn được biết, huyện Bảo Yên là huyện đầu tiên được Hội đồng quản trị rừng quốc tế cấp chứng chỉ FSC cho trên 5.700 ha rừng (FSC: chứng nhận nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường gắn với lợi ích xã hội). Những khu rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC được quản lý, chăm sóc bài bản và nhận được sự đồng tình của người trồng rừng, bởi nó mang lại những giá trị thu nhập bền vững vừa bảo vệ môi trường vừa giảm tác động của thiên tai. Việc sản xuất theo quy trình FSC giúp giá bán một mét khối gỗ tăng từ 15 – 20%, tương đương với 150.000 – 200.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi về lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp tại địa phương, đồng chí Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Bảo Yên đã có nhiều giải pháp, chính sách để tận dụng tối đa lợi thế về rừng, đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân đầu tư, phát triển.
Đặc biệt, kể từ khi Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình nhằm tạo tiền đề bảo đảm yêu cầu rừng có chủ, tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển kinh tế từ rừng; Bảo Yên đã nắm bắt thời cơ, năng động chuyển đổi cơ chế, phương thức quản lý cho phù hợp với điều kiện sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Với những bước đi chắc chắn, phù hợp, thời gian qua, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của huyện Bảo Yên đạt bình quân 600 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện trên 13%/năm; đem lại thu nhập người dân cao gấp 2 lần (39 triệu/người/năm) và đưa tỷ lệ giảm nghèo từ 31,34%/năm xuống còn 10,89%/năm.
Nói về phương hướng những năm tiếp theo, đồng chí Tô Ngọc Liễn cho biết: Để nâng cao hiệu quả từ kinh tế rừng, địa phương sẽ thực hiện mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, áp dụng khoa học kỹ thuật chế biến sâu, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội theo hướng bền vững.
Địa phương sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, vận động người dân thay đổi tư duy từ sản xuất lâm nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, từng bước tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập tại chỗ cho người làm nghề rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển loại hình rừng nhiều tầng, nhiều tán để phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và tạo nguồn sinh thủy ổn định đầu nguồn cho hệ thống các sông ngòi; bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, bảo tồn rừng thành nơi cho các loài động vật cư trú và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật.
Trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, huyện Bảo Yên xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo…