BVR&MT – Ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu báo cáo trước Quốc hội, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về thực hiện mục tiêu kép và các giải pháp triển khai.
Bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân là mục tiêu ưu tiên
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội: Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và nhiều đại biểu khác về kết quả thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch Covid-19 đã diễn ra toàn cầu hiện ở Campuchia, Nhật Bản, và các nước châu Âu dịch đã quay trở lại với một tốc độ cao.
“Chúng ta đưa ra mục tiêu kép, đó là ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân. Đây là mục tiêu ưu tiên, suốt từ đầu khi có dịch Covid-19 ở Việt Nam và để có thể giữ được đất nước không bị âm nền kinh tế, chúng ta phải giữ vững ổn định xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải quyết việc làm và tăng trưởng ở mức cần thiết”, Thủ tướng nói.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng trước hết, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.
“Kinh nghiệm Covid-19 vừa qua, chúng ta nhờ quan hệ trực tiếp, nhờ các hiệp định và thúc đẩy phát triển, chúng ta đã xuất siêu đến giờ phút này gần 20 tỷ USD, đây là một cố gắng rất lớn”, Thủ tướng ghi nhận.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay cần phải tiếp tục phát huy tinh thần trên và đẩy mạnh thị trường trong nước cùng với xuất khẩu, giữ vững sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp là nền tảng và đặc biệt là chỗ dựa trong lúc dịch bệnh của toàn cầu.
“Cho nên, về chiến lược ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phải đồng thời phát triển, tạo cân đối các ngành kinh tế; nông, ngư nghiệp được coi trọng hơn nữa; công nghiệp, kinh tế số và một số ngành du lịch, dịch vụ lưu thông, phân phối, tiếp thị để hiện đại hóa”, Thủ tướng gợi ý.
Đối với ngành du lịch phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng cần phát triển du lịch tại chỗ như du lịch homestay vì những hình thức này rất cần thiết. Với dân số đông, đây chính là một tiềm lực mà Việt Nam cần phát huy. Bên cạnh đó, cần phát triển đô thị hóa phát triển nông thôn, đô thị phải tập trung vừa phải, quy mô vừa phải, mật độ dân số thấp hơn, đường sá rộng hơn, nhiều công viên, nhiều cây xanh hơn.
Tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hạ tầng văn hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp, tăng cường vào công nghiệp thực phẩm. Điều chỉnh hợp lý tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị.
“Tóm lại, nông nghiệp chiếm vị thế quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, với bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, vấn đề thay đổi phương thức làm việc sẽ đẩy nhanh tiến độ làm việc trực tuyến.
“Đây là một thành công rất lớn của ngành thông tin truyền thông và ngành y tế. Tôi nói thí dụ bây giờ đã trên 1.500 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới làm thay đổi phương thức lao động. Cho nên cả giáo dục, cả y tế, cả du lịch, cả hành chính phát triển kinh tế không tiếp xúc là hướng rất quan trọng trong đại dịch hiện nay”, Thủ tướng nói.
Do đó, Thủ tướng cho rằng sẽ có những ngành hình thành ngành công nghiệp mới cần phải nắm bắt như liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe con người.
Giữ vững ổn định vĩ mô, tăng trưởng phải vượt 6% GDP
Để bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm nguồn thu như nhiều đại biểu Quốc hội nêu, Thủ tướng cho biết trước hết cần phải tăng cường đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng vượt 6% GDP.
“Hụt thu ngân sách năm nay lớn như thế, làm sao giữ được cân đối những hoạt động quan trọng của đất nước. Nếu tăng trưởng chỉ 6% thì năm 2021 tổng thu chỉ 1,34 triệu tỷ, giảm 170.000 tỷ so với năm 2020. Vậy, bằng cách nào để có thể giữ được các cân đối lớn, bảo đảm nguồn thu mà dự toán Quốc hội đã nêu”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo Thủ tướng, để giải quyết vấn đề nêu trên trước hết cần phải tăng cường đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng vượt 6% GDP, vì 1% GDP giải quyết trên 300.000 việc làm và giải quyết việc tăng thu ngân sách.
“Các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này. Giờ đây, các tỉnh đều khó khăn, nhưng riêng Quảng Ninh đã tăng thu ngân sách so với dự toán 1.000 tỷ, có nhiều sản phẩm xuất khẩu bằng công nghệ, cũng như Hải Phòng. Chúng ta phải học tập những mô hình, tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa với khả năng của chúng ta”, Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA, phát huy hiệu quả đầu tư để giải quyết việc làm.
“Hạ tầng mà tốt thì thu hút đầu tư tốt, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình chúng ta đã đưa ra báo cáo Quốc hội, trong đó có việc Bộ Giao thông vận tải cam kết những việc như sẽ khởi công 1 hạng mục của sân bay Long Thành và phải cố gắng cho được như anh Thể đã phát biểu, đó là đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đưa vào hoạt động sau nhiều năm chậm trễ do nhiều nguyên nhân”, Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, xử lý những tồn tại trong chuyển giá, trốn thuế.
Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng cần phải quan tâm thực hiện tốt tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết, như họp hành, đi nước ngoài, những việc không cần thiết trong lúc đất nước và thế giới khó khăn.
“Đặc biệt, tất cả các cấp, các ngành phải bám sát dự toán, thu chi ngân sách. Chúng ta vẫn cương quyết bảo đảm tỷ lệ bội chi ngân sách năm nay Quốc hội giao không quá 4%, tương đương với 5% nếu tính GDP cũ. Khi cần thiết chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng chính sách tài khóa phù hợp, đồng thời yêu cầu giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phải giữ vững các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng trong lúc khủng hoảng toàn cầu, cần kiểm soát tốt trên nhiều phương diện và đặc biệt là phải bảo đảm giữ được vĩ mô ổn định. Đây là một nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
“Chiếc bánh của chúng ta chỉ có thế. Cha ông chúng ta thường hay nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nhiệm kỳ này phải làm được việc này để giữ nền tảng cho thời gian tới, nhất là sau Đại hội Đảng”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, thu hút nhân tài vào quản trị nhà nước
Về chính sách gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động và doanh nghiệp hiện đang có vướng mắc, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thấy rõ vấn đề và sẽ thay đổi Nghị quyết 15 trên tinh thần là tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp bị khó khăn.
“Nhất là những chỉ tiêu cụ thể như là chính quyền địa phương xác nhận doanh thu, tình trạng kinh doanh, chúng ta bỏ cái đó. Ngân hàng Chính sách được Chính phủ giao việc này phải chấp nhận một rủi ro nhất định để hỗ trợ gói trong 62.000 tỷ đồng cho người lao động và cho doanh nghiệp. Chúng tôi thấy rõ tồn tại này để mà sửa lại chính sách cho phù hợp hơn. Đây cũng là nguyện vọng rất nhiều doanh nghiệp mà doanh nghiệp và người lao động hiện nay đang là khó khăn”, Thủ tướng cho biết.
“Gói hỗ trợ chậm như vậy, có hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Nghị quyết 15 của Chính phủ, chúng ta đã có gói giảm, giãn, hoãn, miễn thuế, rồi chuyển đổi đặc biệt là ngân hàng. Chúng ta đã làm rất tốt để hỗ trợ giúp cho kinh doanh. Nhưng hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động thì chúng ta làm chưa kịp thời và chưa tốt”, Thủ tướng nhận định.
Đối với vấn đề mà các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề cập về vấn đề chọn nhân tài, chính sách thu hút, tạo nguồn lực, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với thế hệ trẻ, Thủ tướng khẳng định đây là một việc rất quan trọng trong công tác cán bộ.
“Chúng tôi đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng trình Bộ Chính trị, đã tổng kết 14 cơ quan và 22 địa phương báo cáo Ban Bí thư. Việc này rất cần thiết. Tôi tin rằng các cơ quan chức năng và có thẩm quyền sẽ quyết định vấn đề này, trên tinh thần có tiêu chí để thực hiện chính sách được giao là thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước”, Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng, nhân tài không nhất thiết phải làm trong cơ quan Đảng, Nhà nước mà có thể làm ở doanh nghiệp tư nhân, ở doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hay hợp tác xã, nhưng riêng khối Nhà nước thì nhất định phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào để quản trị đất nước, nhất là đối với một nước có quy mô dân số gần 100 triệu dân như nước ta sẽ có nhiều vấn đề đặt ra.
“Còn nhiều bất cập trong việc tuyển nhân tài mà chúng ta vẫn thấy cuối cùng con người vẫn là quyết định, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Một câu hỏi lớn là người có tài, đức phải được sử dụng, tạo mọi điều kiện đưa vào biên chế, cất nhắc, đề bạt”, Thủ tướng nói.
Trả lời câu hỏi của nữ đại biểu Quốc hội K’sor H’Bơ Khắp (Gia Lai), Thủ tướng khẳng định “văn hóa từ chức” đã có và đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này.
“Các đồng chí có nói có văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức không? Báo cáo với các đại biểu Quốc hội và các đồng chí là Luật Cán bộ, công chức đã quy định vấn đề từ chức này, đó là “cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không đủ năng lực, không đủ uy tín theo yêu cầu, nhiệm vụ hoặc vì lý do khác chính đáng thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết hạn bổ nhiệm”. Quyết định 1847 của Thủ tướng nêu: cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín”, Thủ tướng dẫn chứng cho biết.
Theo Thủ tướng, để có văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước mà do mỗi cán bộ, công chức tự thấy, cùng với sự giám sát của nhân dân, của cán bộ, công chức cơ quan.