BVR&MT – Các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam Bộ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ rừng phòng hộ, giữ “lá chắn mềm” nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần giảm tác động của thiên tai, giúp người dân khu vực phía nội đồng yên tâm sản xuất.
Những ngày này, nhiều người dễ dàng nhận thấy mầu áo xanh của lực lượng kiểm lâm len lỏi ở các cánh rừng ngập mặn ven biển. Họ lội sình cùng người dân trồng rừng.
Trồng cây gây rừng
Tại Cà Mau, rừng ngập ngọt được khởi trồng vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước phát triển. Ở các vùng ngập mặn ven biển, việc trồng rừng vào cuối quý III kéo dài đến cuối năm. Giai đoạn này, không sớm và cũng không muộn hơn vì cây đước chỉ cho trái từ tháng 8 đến tháng 10 (âm lịch) hằng năm.
Ông Tô Văn Dưng có vuông tôm 3ha ở ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, vừa được cung cấp nguồn cây giống để trồng lại cây rừng cho biết: “Nông hộ nhận khoán đất rừng nuôi tôm vùng này ai cũng phải trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, khai thác khi cây đến tuổi rồi phải trồng lại. Nhờ có cây rừng với tỷ lệ phù hợp mà thủy sản dưới tán rừng phát triển tốt; con tôm còn được chứng nhận là tôm sinh thái, bán được giá cao”.
Trong tổng số hơn 347.000ha rừng ở vùng Tây Nam Bộ, rừng của Cà Mau chiếm hơn 40% với hơn 134.000ha; trong đó có khoảng 95.000ha đất có rừng được giao cho hơn 30 tổ chức tham gia quản lý và hơn 5.000 hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng theo Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp.
Tại Bạc Liêu, chính quyền và ngành chức năng giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển đến các hộ gia đình, cá nhân… để chung tay bảo vệ. Cùng với đó, hiệp đồng các lực lượng liên quan thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát diện tích rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm hại rừng. Bạc Liêu cũng đẩy mạnh việc trồng mới lại những thửa rừng bị mất đi vì sạt lở đất. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã phủ xanh lại được gần 250ha rừng ở khu vực ven biển các xã: Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu); Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận, tỉnh có gần 10 dự án điện gió đã và đang được đầu tư xây dựng tại vùng ven biển và khu vực ngoài khơi. Việc hợp tác, đẩy mạnh thu hút đầu tư là cần thiết nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp cụ thể, quyết liệt thì có nguy cơ cao ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến triệt phá các loại rừng phòng hộ. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là “không đánh đổi diện tích rừng để lấy dự án”.
Công tác trồng và bảo vệ rừng cũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại Sóc Trăng và Cà Mau. Từ năm 2014 đến nay, Sóc Trăng có gần 1.600ha rừng ngập mặn được trồng mới, tạo thành tường mềm giảm sóng biển trải dài hơn 30km ở vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Long Phú và Cù Lao Dung, góp phần nâng tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh lên gần 7.000ha. Còn tại Cà Mau, trong bốn năm gần đây, rừng phòng hộ ven biển được phục hồi thêm hơn 1.200ha. Riêng trong năm 2022, trong tổng số hơn 4.000ha kế hoạch trồng rừng của năm, có 300ha rừng trồng mới, chủ yếu là rừng phòng hộ.
Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải, để phục vụ công tác trồng rừng hiệu quả, tỉnh đã đầu tư hai vườn cây giống, quy mô khoảng 40ha ở miệt rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, bảo đảm cung ứng 100% lượng cây giống trồng rừng ở rừng ngập mặn. “Không chỉ trồng mới mà hầu như năm nào Cà Mau cũng đạt và vượt kế hoạch về trồng rừng sau khai thác, trồng rừng thay thế… Cà Mau xác định rõ, việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiệt hại của thiên tai, do vậy, bằng mọi giá địa phương phải bảo vệ và khôi phục phần diện tích này”, ông Lê Văn Hải nói.
Bảo vệ, phát triển rừng bền vững
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2016, rừng ngập mặn toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long từ hơn 194.000ha vào năm 2011 giảm còn hơn 179.000ha vào năm 2016. Toàn vùng có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tổng chiều dài khoảng 147km, tốc độ xói lở từ 5-45m/năm, tức trung bình mỗi năm mất khoảng 500ha đất.
Với ba mặt giáp biển, Cà Mau có tổng chiều dài bờ biển hơn 250km, trong đó có hàng chục ki-lô-mét luôn trong tình trạng sạt lở. Trong 10 năm gần đây, tỉnh đã mất gần 6.000ha đất và rừng phòng hộ ven biển. Để tài nguyên rừng và đất đai của Tổ quốc không tiếp tục bị mất vì xói lở, Cà Mau triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để bảo vệ rừng bền vững, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 27% vào cuối năm 2025 so với mức 26% vào cuối năm 2021.
Cùng với việc quyết liệt trồng và bảo vệ rừng, Cà Mau tranh thủ nhiều nguồn vốn để xây dựng các công trình kè ứng phó sạt lở tại những khu vực xung yếu. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn thành được hơn 54km kè ở bờ biển đông và bờ biển tây. “Hệ thống kè được đầu tư đã phát huy hiệu quả tích cực, khắc phục được tình trạng xói lở đất, rừng phòng hộ ven biển phía trong dần được phục hồi”, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai đánh giá.
Tại Sóc Trăng, được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều mô hình nông-lâm kết hợp, như: Nuôi ốc len, vọp, ba khía, cá thòi lòi, vịt biển. Một số mô hình bước đầu có hiệu quả và tiếp tục duy trì như: Nuôi ốc len-ba khía ở nhóm đồng quản lý ấp Võ Thành Văn (xã An Thạnh Nam); nuôi ốc len-ba khía-cá thòi lòi ở tổ quản lý, bảo vệ rừng ấp An Quới (xã An Thạnh Ba) của huyện Cù Lao Dung; mô hình đồng quản lý, bảo vệ rừng ở ấp Âu Thọ B (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu)…
Ông Trần Văn Sến, thành viên Tổ đồng quản lý, bảo vệ rừng ấp Âu Thọ B cho biết, tham gia vào tổ đồng quản lý, người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, nhưng được hỗ trợ và hướng dẫn nuôi ốc len, sò… dưới tán rừng. Các loại thủy sản dưới tán rừng được khai thác theo mùa vụ bảo đảm kích cỡ quy định; được nhặt cành cây khô để làm chất đốt… Nhờ được hưởng lợi từ rừng, có thu nhập hằng ngày, cho nên người dân yên tâm giữ rừng để rừng ngày thêm xanh tốt.
“Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của từng vùng mà các đơn vị chức năng của địa phương sẽ lựa chọn những mô hình tạo sinh kế phù hợp cho người dân dưới tán rừng, giúp người giữ rừng có thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống, giảm nạn chặt phá rừng trái phép, duy trì và phát triển thêm diện tích rừng phòng hộ ven biển”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Trọng Khiêm cho biết.
Rừng phòng hộ chủ yếu ở khu vực ven biển, xa khu dân cư, cho nên việc tuần tra, bảo vệ cũng lắm gian nan. Lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng rất vất vả, chịu nhiều áp lực và nguy hiểm. Thế nhưng, theo nhiều đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, nguồn lực đầu tư cho con người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa tương xứng, khiến không ít trường hợp xin chuyển hoặc nghỉ việc.
Tại Cà Mau, hàng chục cán bộ, nhân viên trực tiếp giữ rừng đã nghỉ việc, ngành chức năng nhiều lần đăng tuyển nhưng đến nay vẫn chưa lấp đầy khoảng trống thiếu hụt… Thực tế đặt ra cần có chính sách phù hợp hơn để chăm lo cuộc sống tốt hơn cho những người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng ở những tuyến đầu hẻo lánh, xa xôi…