MT&ĐS – Trong tổng số 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2016 do TTXVN bình chọn, có đến hai sự kiện thuộc về lĩnh vực môi trường.
Đặc biệt, sự cố ô nhiễm môi trường biển bốn tỉnh miền Trung do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống của người dân.
Với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Không đánh đổi môi trường lấy dự án,” Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã và đang quyết liệt thực hiện.
Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu 2017, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về trách nhiệm của ngành trong việc phòng ngừa, không để tái diễn những sự cố tương tự trong hiện tại và tương lai. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
– Năm 2016 được dư luận đánh giá là năm “báo động đỏ” về môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung. Là “Tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường,” đề nghị Bộ trưởng cho biết nỗ lực giải quyết các sự cố gây ô nhiễm môi trường trong năm qua?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi có thể khẳng định đến thời điểm này việc khắc phục các lỗi kỹ thuật gây ra về sự cố môi trường miền Trung đã được chủ đầu tư thực hiện đạt 93%. Công việc sẽ được tiếp tục một cách khẩn trương, cầu thị để mọi lỗi kỹ thuật đều được khắc phục một cách triệt để, nhằm vận hành nhà máy một cách an toàn, hiệu quả. Chủ đầu tư đã cam kết thay đổi công nghệ ở những công đoạn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm theo hướng hiện đại hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Trong năm 2017, để hạn chế tối đa khả năng gây ra sự cố môi trường, một số giải pháp chính đã được đưa ra. Cụ thể là cuối năm 2016, Bộ tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra hàng loạt các cơ sở sản xuất có quy mô xả thải lớn (200 m3/ngày đêm trở lên) trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả thanh tra cho thấy nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa đáp ứng quy chuẩn xả thải của Việt Nam. Đầu năm 2017, tất cả những cơ sở thuộc loại này sẽ phải hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Hiện các cơ quan chức năng của Bộ và địa phương đã và sẽ tiếp tục rà soát về bảo vệ môi trường tất cả các tổ chức sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, bắt buộc họ thực thi một cách nghiêm chỉnh các giải pháp được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Mọi hành vi vi phạm về môi trường, thậm chí ngay cả đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa tính hết các nguy cơ cũng sẽ được xử lý theo luật định một cách kiên quyết, không khoan nhượng.
Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp của địa phương, trên tinh thần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Người đứng đầu chính quyền của từng cấp sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi được phân công chịu trách nhiệm. Nâng cao nhận thức và văn hóa ứng xử với môi trường của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, của mỗi công dân thông qua việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các chương trình phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường cũng sẽ được xem xét một cách nghiêm túc, có tầm nhìn dài hạn, có tính liên vùng trong các chương trình phát triển ở cấp quốc gia hoặc địa phương. Phải đặc biệt quan tâm đến những chỉ số quan trọng về môi trường: Sức chịu tải của môi trường, công nghiệp sản xuất phát thải cácbon thấp…
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát về môi trường trên phạm vi cả nước. Vấn đề đặt ra là việc thanh tra sẽ phải được thực hiện với sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương không chồng chéo. Phải được thực hiện bởi những công chức có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao. Việc thanh tra cần phải được thực hiện nhờ các trang bị thiết bị kỹ thuật tiên tiến, để có thể ghi nhận các dấu hiệu ô nhiễm một cách chính xác, nhanh chóng, tự động và liên tục. Nghĩa là phải cố gắng ở mức cao nhất để việc thanh tra ít làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời cũng cần có thêm chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường tự động. Tập trung xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mặt khác còn phát hiện những bất cập, lỗ hổng trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để tiếp tục hoàn thiện.
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đối thoại trực tiếp với nhân dân và doanh nghiệp nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Thông qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn… Tham gia hiệu quả cùng các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các rủi ro, sự cố môi trường do cả nhân tai lẫn thiên tai gây ra.
Công nghiệp bảo vệ môi trường phải được xem là một ngành kinh tế có thể mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước. Chung quy là, tính kiến tạo ở đây là việc đề ra những chính sách có tính mới, phù hợp với thực tiễn sinh động của cuộc sống và thực hiện nó một cách quyết liệt, hiệu quả.
– Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng khẳng định hiện “ô nhiễm môi trường đã đến ngưỡng.” Vậy để không vượt ngưỡng và tiến tới đảm bảo an toàn về môi trường trong tương lai gần, cần phải có lộ trình cụ thể ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết là cả hệ thống chính trị phải triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; gắn kết hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Riêng ngành tài nguyên và môi trường phải nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá tác động môi trường, huy động sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thẩm định; kiên quyết không cho đầu tư đối với các dự án không đảm bảo về môi trường. Thực hiện nghiêm quy định chỉ cho phép dự án đầu tư đi vào vận hành chính thức sau khi đã được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Cơ quan chức năng của Bộ và địa phương kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải, quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại; cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các lưu vực sông, hồ, vùng ven biển, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tổng điều tra, rà soát, phân loại các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao, các nguồn thải ra sông, ra biển và các đô thị lớn để yêu cầu các doanh nghiệp có các giải pháp khắc phục; tổ chức kiểm tra, kiểm soát, giám sát thường xuyên tránh nguy cơ xảy ra các sự cố về môi trường. Đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm trước khi đi vào hoạt động; rà soát các cơ sở gây ô nhiễm ở khu vực đô thị, khu tập trung dân cư để có kế hoạch, lộ trình tổ chức di dời và hỗ trợ di dời. Tập trung xử lý những điểm nóng về môi trường theo phương châm tại chỗ, công khai thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các địa phương có nguồn thải lớn ở các lưu vực sông chịu trách nhiệm vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án nhằm giảm chất thải, khí thải để hạn chế ô nhiễm không khí nhất là ở các khu đô thị, tập trung đông dân cư để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tiếp theo, ngành tài nguyên và môi trường đề cao việc thực hiện đạo đức công vụ trong công tác quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, cần phải rút ngắn con đường từ lời nói đến việc làm. Trong năm 2016, ngành đã bước đầu làm được việc này. Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng và ban hành trong một thời gian rất ngắn. Song chính nó đã trở thành công cụ chính sách đáp ứng một cách nhanh chóng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Tuy vậy tôi cũng thừa nhận rằng, sự chuyển động về tư duy, nhận thức, hành động của chúng ta trong thời gian vừa qua diễn ra chưa thật sự mạnh mẽ. Ở cấp địa phương và ngay cả cấp Trung ương, sức ì cơ chế vẫn còn rất nặng nề. Cần phải huy động mọi sức lực, trí tuệ để tạo ra một hệ thống quản lý Nhà nước vận hành trơn tru, an toàn và hiệu quả.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước muốn trở thành một tổ chức gần dân, trước hết phải hiểu được một cách cặn kẽ những mong muốn của người dân. Hành động quản lý phải được dân hiểu, dân tin và dân thực hiện một cách tự giác.
Với nhận thức đó, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý của mình ở cấp địa phương thực sự có đạo đức, có năng lực chuyên môn tốt, thực hiện các công vụ thân thiện, tạo cơ hội tiết kiệm sức lực, kinh phí, thời gian cho mọi tổ chức và cá nhân có liên quan. Mục tiêu cuối cùng là các tổ chức và người dân coi các cơ quan quản lý Nhà nước là nơi tạo điều kiện cho mình thực hiện các quyền công dân, tạo cho họ quyền bình đẳng phát triển trong mọi tình huống.
Các công cụ quản lý tiên tiến (Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến…) sẽ hỗ trợ chúng ta thực hiện mong muốn này. Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã tiên phong trong đổi mới, nâng cao hiệu quả làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đồng hành triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả tinh thần này.
Các địa phương chưa ban hành các văn bản theo thẩm quyền được giao tại các Luật, Nghị định phải khẩn trương hoàn thành việc ban hành trong quý 1/2017. Chỉ đạo rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật, làm phát sinh thủ tục hành chính, không phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đánh giá một cách khách quan tình hình thi hành chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn, xác định những bất cập, điểm nghẽn, lỗ hổng để khắc phục kịp thời. Đề xuất những chính sách có tính mới, phù hợp với thực tiễn để tạo bước đột phá cho phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Để làm được điều đó, cần quan tâm đào tạo, kiện toàn tổ chức của ngành tài nguyên và môi trường ở địa phương; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở, những người gần dân nhất, trực tiếp nhất. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính. Triển khai xây dựng các trạm quan trắc, giám sát môi trường theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
– Thưa Bộ trưởng, để thực hiện hiệu quả việc phòng ngừa các sự cố môi trường, các giải pháp cần phải tiến hành cụ thể như thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Để giám sát tốt việc bảo vệ môi trường của mọi dự án, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khác (trong đó có quản lý nhà nước về môi trường), cần phải quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ. Bộ sẽ thể chế hóa chế độ trách nhiệm tổ chức cá nhân tham gia hội đồng thẩm định, tham gia cấp phép và giám sát các vấn đề liên quan. Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Sau khi được phê duyệt sẽ nghiêm túc thực hiện Đề án này.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các dự án đầu tư, vấn đề cần thiết phải tiến hành là soát xét lại hệ thống pháp luật về đánh giá tác động môi trường; bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường. Tiến hành đánh giá tác động môi trường hai bước đối với các dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư và các dự án phức tạp nhạy cảm về môi trường. Tăng cường công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến về dự án…Việc sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả.
Thực tế minh chứng ngành tài nguyên và môi trường đã nhạy bén đổi mới tư duy theo tinh thần của Chính phủ. Đó là liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân. Đây là một thay đổi lớn hy vọng mang lại sinh khí mới, khơi dòng cho cuộc sống phát triển một cách mạnh mẽ, vững chắc ở nước ta trong nhiều năm tiếp theo. Sự thay đổi tư duy này được bắt nguồn từ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và phải được lan tỏa đến mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến địa phương.
Sự đổi mới tư duy này cũng có đòi hỏi rất cao về tính sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác lãnh đạo, cho đến từng công chức trong hệ thống quản lý Nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành đã, đang và sẽ thấm nhuần tinh thần đổi mới này để nâng cao hiệu quả công việc của mình, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, coi đó là tiêu chí đánh giá trách nhiệm của của mọi công dân và doanh nghiệp. Với phương châm hành động bảo vệ môi trường chính là đầu tư cho sự phát phát triển bền vững của đất nước.
– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!