BVR&MT – Vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long có sự thay đổi nhanh trong thời gian vừa qua do tác động của hệ thống công trình thủy lợi, suy giảm lưu lượng phía thượng lưu và nước biển dâng phía hạ lưu.
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, khiến nguồn tài nguyên và môi trường, trong đó có tài nguyên nước tại khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguồn tài nguyên nước phong phú ở đây đang bị suy thoái cả lượng và chất do nhiều tác động, đòi hỏi cần có những giải pháp thích ứng giảm nhẹ phù hợp để đồng bằng châu thổ phía Nam đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng bất lợi
Nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp và phẳng, cao độ trung bình với mực nước biển chỉ khoảng 1,0-1,8 m và tiếp giáp biển nên môi trường sinh thái của khu vực đồng bằng này rất mẫn cảm với những tác động từ thượng lưu và từ phía biển cũng như những tác động từ các hoạt động dân sinh kinh tế nội vùng.
Theo Nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh gồm các chuyên gia Châu Nguyễn Xuân Quang, Hồ Văn Hòa và Ngô Ngọc Hoàng Giang, do đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội, tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động riêng lẻ hoặc tổng hợp từ thượng lưu, hạ lưu và nội vùng.
Hiện nay, các yếu tố môi trường liên quan đến tài nguyên nước ở khu vực này đang rất được quan tâm là lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nước mặt. Đơn cử, dữ liệu viễn thám cho thấy, vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long có sự thay đổi nhanh trong thời gian vừa qua do tác động của hệ thống công trình thủy lợi, suy giảm lưu lượng phía thượng lưu và nước biển dâng phía hạ lưu.
Diện tích ngập và thời gian ngập có sự suy giảm đáng kể từ năm 2000-2018, hoặc hạn hán cũng là một trong những thiên tai gây thiệt hại lớn đến tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước, môi trường sinh thái và kinh tế xã hội.
Riêng đối với nguồn nước ngầm, theo nhóm nguyên cứu gồm các chuyên gia Lê Thanh Hải, Trần Đức Dũng, Lê Quốc Vỹ và Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với vấn đề suy giảm nguồn nước ngầm do khai thác sử dụng quá mức trong hơn hai thập kỷ qua.
Theo các số liệu nghiên cứu, mực nước dưới đất có tốc độ hạ thấp mạnh từ 0,3-0,5m/năm tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau.
Thậm chí, tốc độ hạ thấp mực nước ngầm đến 0,55m/năm tại một số địa phương như thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ (tỉnh Long An); 0,92m/năm như thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).
Theo Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, chỉ tính đến năm 2015, mực nước ngầm của đồng bằng này đã bị tụt giảm khoảng 15m. Nếu như trước đây, giếng khoan cần độ sâu khoảng 100m là có thể khai thác được nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì nay phải khoan sâu gấp đôi.
Nghiêm trọng hơn, một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được. Đây là hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức và tình trạng sử dụng hóa chất bừa bãi, xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Suy giảm nước ngầm gây ra sự tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ở một số khu vực hiện đang đối diện với nguy cơ sụt, lún, hạ thấp bề mặt địa hình. Đồng bằng đang chịu tốc độ lún trung bình 20-40 mm/năm.
Các khu vực lún nhanh nhất là bán đảo Cà Mau và Cần Thơ. Mức độ khai thác cụ thể ở từng địa phương rất khác nhau nên đã dẫn đến nguy cơ suy giảm mực nước, cạn kiệt tầng chứa nước; gia tăng ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước và sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình.
Liên quan đến tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nguyên cứu đến từ Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra rằng, chất lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu trong những năm vừa qua đã có dấu hiệu biến đổi xấu đi do sử dụng trong phát triển thuỷ sản trên sông và các nguồn thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp,… chưa xử lý tốt thải vào sông rạch ngày càng gia tăng.
Nguồn tài nguyên nước ngầm khai thác và sử dụng chưa được kiểm soát, nguồn nước ngầm nhiều nơi bị sụt giảm, hiện tượng nước ngầm bị nhiễm phèn nhiễm mặn trong khai thác vẫn còn phổ biến.
Hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long còn khoảng 20-30% số hộ gia đình chưa có nước sạch để sử dụng trong đời sống và sinh hoạt, nhiều nơi nhân dân thiếu nước nghiêm trọng.
Dẫn chứng cho việc tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, biến động của tài nguyên nước đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, từ một địa phương cụ thể trong vùng, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, trong đợt hạn mặn mùa khô lịch sử năm 2019-2020, có những thời điểm độ mặn 5‰ gần như bao trùm toàn tỉnh (chỉ trừ một số vùng giáp sông Cổ Chiên thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Chợ Lách).
Trên các tuyến sông chính, nội đồng hầu như không còn nước ngọt để cung cấp cho các nhà máy nước, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Độ mặn 2‰ bao phủ toàn tỉnh Bến Tre và duy trì trong thời gian dài trên 5 tháng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt, gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp-thủy sản ước thiệt hại hơn 2.800 tỷ đồng và làm khoảng 87.000 hộ dân ở Bến Tre bị thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Thích ứng để giảm nhẹ biến động
Theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững khu vực đồng bằng thích ứng với biến động môi trường sinh thái là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn tại đồng bằng là rất cần thiết. Quản lý bền vững tài nguyên nước là một trong những nền tảng căn bản cho sự an toàn, thịnh vượng và bền vững ở đồng bằng.
Theo nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Châu Nguyễn Xuân Quang, Hồ Văn Hòa, Ngô Ngọc Hoàng Giang (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết hiện nay.
Cụ thể, một số chiến lược tiếp cận xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ được đề xuất là xây dựng kế hoạch chiến lược theo hướng tiếp cận tổng thể và hành động cụ thể; ưu tiên cho những giải pháp nội vùng thay vì cố gắng thay đổi những tác động từ bên ngoài (như từ thượng lưu và phía biển); tập trung thay đổi tư duy thay vì cố gắng thay đổi khí hậu.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần hành động giảm thiểu rủi ro theo hướng ưu tiên tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ mức độ phơi nhiễm thay vì cố gắng giảm nhẹ nguy cơ.
Việc phát triển hệ thống trữ nước quy mô vùng và phân tán được xem là giải pháp căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô ở đồng bằng châu thổ.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, do đặc thù về điều kiện địa chất thủy văn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên các giải pháp trữ nước cần phải quy hoạch một cách tổng thể mới đạt được hiệu quả kỹ thuật và kinh tế.
Giải pháp trữ nước quy mô vùng có thể áp dụng cho vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, giải pháp trữ nước phân tán nên được xem xét áp dụng cho vùng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ ô nhiễm tại các khu vực đông dân cư, nuôi gia súc và khu công nghiệp là khá rõ nét. Nguồn xả thải ngày càng gia tăng trong tương lai và nếu không có giải pháp quản lý và xử lý phù hợp thì mức độ ảnh hưởng không chỉ có tính cục bộ như hiện nay mà có nguy cơ ảnh hưởng lan rộng ra toàn đồng bằng.
Để hạn chế nguy cơ tác động xấu đến chất lượng nguồn nước mặt cần kiểm soát các nguồn xả thải, đặc biệt nguồn thải sinh hoạt như thu gom rác thải tập trung, thu gom các chất thải từ chăn nuôi gia súc gia cầm.
Còn tại các khu đô thị tập trung cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường bên ngoài; cần xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, tăng cường công tác quản lý môi trường tại vùng đồng bằng.
Liên quan đến các giải pháp bảo vệ tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chuyên gia Lê Thanh Hải, Trần Đức Dũng, Lê Quốc Vỹ, Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Quan điểm về “thuận thiên,” tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên là rất cần thiết.
Ngoài ra, các giải pháp trong công tác bảo vệ tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng cũng cần được thực hiện theo thứ tự ưu tiên là thích ứng, phòng ngừa, kiểm soát, cải thiện, phục hồi và xử lý.
Với quan điểm như vậy, riêng đối tài nguyên nước, cần tiếp tục thúc đẩy bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm) và tài nguyên nguyên khác quá mức.
Các cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân sử dụng bền vững tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn,” thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp cấp nước phù hợp cho từng khu vực, theo từng mùa trong năm.