BVR&MT – Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc lập đề án chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng cổ tại danh sơn Yên Tử.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư dự án chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử theo quy định của Luật Đầu tư công. Như vậy, việc cứu những “nhân chứng” sống hơn 700 tuổi trên Yên Tử đã có lối ra, sau khi hết dự án này đến đề án kia đều đi vào ngõ cụt.
Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về việc rừng xích tùng cổ 700 tuổi trên Yên Tử chết dần chết mòn từ lâu do tuổi cao, lại bị sâu bệnh, thời tiết tấn công. Chỉ trong vòng vài năm gần đây, đã có khoảng 20 cây chết, hàng trăm cây còn lại đều bị “bệnh” nặng như mục rỗng thân, gốc, cụt ngọn…
Trước đây, đã từng có dự án cứu rừng xích tùng, nhưng rồi sau đó bị đưa vào diện cắt giảm do tình hình kinh tế suy thoái.
Trước sự “ra đi” nhanh chóng của những “nhân chứng sống” cực kỳ quý giá trên danh sơn Yên Tử, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND TP.Uông Bí phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử xây dựng đề án “khám-chữa bệnh” cho rừng xích tùng. Dự án có tổng số vốn 27 tỉ đồng, kéo dài đến 2020, với những phác đồ điều trị công phu, trong đó phần lớn kêu gọi xã hội hóa.
Tuy nhiên, chủ trương xã hội hóa đã thất bại hoàn toàn bởi không đơn vị, cá nhân nào tài trợ cho dự án.
Sau rất nhiều cuộc họp, cuối cùng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử giai đoạn 2016 – 2020”. Tổng kinh phí không đổi – 27 tỉ đồng, nhưng nguồn kinh phí lấy phần lớn từ nguồn ngân sách, thay vì xã hội hóa.
Tuy nhiên, trong khi đang loay hoay xoay sở nguồn vốn thì mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh “tuýt còi” vì các sở, ngành tham mưu sai cho UBND tỉnh, bởi theo Điều 8, Luật Đầu tư công, các dự án liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt, không kể số vốn lớn nhỏ, đều phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo một số chuyên gia, việc loay hoay cứu chữa rừng xích tùng cổ suốt hơn 10 năm qua đang khiến bệnh tình của các “cụ” ngày một thêm nặng. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư dự án chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng cổ, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là không thể chậm trễ hơn được nữa.
Phác đồ “khám-chữa bệnh” đặc biệt
Với những cây thân bị rỗng: Dùng các dụng cụ chuyên dụng nạo lấy các phần gỗ bị mục và xông hơi thuốc vào để tiêu diệt các côn trùng gây hại, các mầm mống nấm hoại sinh; dùng các loại hóa chất đặc biệt để hạn chế sự xâm nhập của nước mưa vào trong thân cây. Đối với những cây có hiện tượng mục gốc, thân: Dùng thuốc diệt mối Termido, hoặc dùng máy diệt côn trùng hoặc đặt các bẫy bả diệt mối quanh gốc được để trừ diệt mối.
Rà soát và cắt bỏ tất cả các cành bị bệnh của trên 230 cây tùng cổ, để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa không tạo môi trường cho các loại sâu bệnh phát triển. Những cây bị bọ cánh cứng (xén tóc, mọt, vòi voi,…..) gây hại sẽ được dùng các chế phẩm hoá học bảo vệ thực vật, như thuốc trừ, thuốc bảo vệ và thuốc điều trị… để phòng trừ.