BVR&MT – Rừng phòng hộ huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) hiện đang nuôi dưỡng quần thể chà vá chân xám lớn thứ ba ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước các mối đe dọa từ việc săn bắn và bẫy bắt trái phép, đòi hỏi cần phải có giải pháp và kế hoạch hành động khẩn cấp và lâu dài để bảo tồn loài chà vá chân xám quý hiếm và đa dạng sinh học tại đây.
Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và Campuchia. Đây là loài cực kỳ nguy cấp theo Danh mục đỏ IUCN, Sách đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; là loài được ưu tiên bảo tồn theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quần thể chà vá chân xám bị đe dọa
Tiến sĩ Lê Khắc Quyết (Tổ chức Bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI) tại Việt Nam) cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy trên toàn quốc hiện chỉ còn hơn 2.000 cá thể chà vá chân xám quý hiếm, phân bố ở sáu tỉnh miền trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên. Trong đó, một số quần thể đang được bảo tồn như quần thể khoảng 500 cá thể tại huyện Kon Plông (Kon Tum); quần thể khoảng 1.557 cá thể tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai); quần thể khoảng 70 cá thể tại huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Riêng ở Quảng Ngãi, sau hai đợt điều tra, khảo sát thực địa vào năm 2022 tại 8 tiểu khu 451, 452, 455, 456, 459, 460, 462 và 463 thuộc rừng phòng hộ huyện miền núi Ba Tơ, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức Bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI) tại Việt Nam đã ghi nhận trực tiếp tổng cộng 10 đàn chà vá chân xám với 104 cá thể, ước tính số lượng chà vá chân xám có thể lên đến 15-20 đàn với 169 cá thể. Ngoài ra, còn phát hiện hai đàn vượn má vàng Trung Bộ (Nomascus annamensis) qua tiếng hót.
“Ở Việt Nam hiện nay có sáu quần thể chà vá chân xám, lớn nhất là tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và thứ hai là khu vực rừng Kon Plông. Riêng tại rừng phòng hộ Ba Tơ, chúng tôi rất bất ngờ vì quần thể chà vá chân xám cư ngụ tại đây với số lượng khá nhiều, hơn 100 cá thể. Do vậy, có thể khẳng định rằng, đây là quần thể chà vá chân xám lớn thứ ba tại Việt Nam cũng như trên thế giới”, Tiến sĩ Lê Khắc Quyết thông tin và cho biết thêm, hiện quần thể chà vá chân xám tại rừng phòng hộ Ba Tơ đang đứng trước các mối đe dọa nghiêm trọng. Qua khảo sát thực tế tại hiện trường, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều bẫy bắt và lán thợ săn bắt động vật rừng trái phép.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung thừa nhận, rất khó để quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể chà vá chân xám và đa dạng sinh học tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ, bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm. Điển hình như vụ hai đối tượng Phạm Văn A Long (sinh năm 1990) và Phạm Văn Tên (sinh năm 1996), đều ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ dùng súng tự chế bắn chết 5 cá thể chà vá chân xám tại rừng phòng hộ Ba Tơ, bị lực lượng chức năng phát hiện vào ngày 8/10/2021. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã nhanh chóng khởi tố vụ án và mở phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt Phạm Văn A Long và Phạm Văn Tên, mỗi bị cáo 6 năm tù giam.
Cấp thiết thành lập khu bảo tồn
Chà vá chân xám và vượn má vàng Trung Bộ được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là hai trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sinh cảnh sống của các loài này tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ đang ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ bị xâm hại cao vì chưa có được một hành lang đa dạng sinh học bảo đảm các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ, bảo tồn tối ưu nhất.
Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn quần thể chà vá chân xám và đa dạng sinh học nói chung tại Ba Tơ.
Mới đây, tại hội thảo tham vấn giải pháp bảo tồn loài chà vá chân xám ở Ba Tơ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm GreenViet và Tổ chức FFI tại Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều nêu lên tính cấp thiết của việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho biết, theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ nằm trên địa bàn các xã: Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế của huyện Ba Tơ với tổng diện tích hơn 17.976 ha.
“Rừng phòng hộ huyện Ba Tơ là khu vực tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) đóng vai trò chuyển tiếp giữa hai đai độ cao vùng trung du và Tây Nguyên, cho nên sinh cảnh rừng ở đây có nhiều nét tương đồng với Tây Nguyên ở độ cao từ 900m trở lên. Do đó, Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu Huỳnh, chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam cho rằng, phải nhanh chóng quy hoạch và quyết định thành lập khu bảo tồn. Bởi lẽ nếu làm không nhanh thì tác động của người dân, tác động của kinh tế sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của loài linh trưởng. Đồng thời, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ còn thu hút cộng đồng cùng tham gia, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.
Chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát triển loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành), Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Hà Phước Phú cho biết, tỉnh đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và huy động cộng đồng dân cư thành lập các nhóm bảo tồn cùng chung tay tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức cam kết bảo vệ động vật hoang dã, hỗ trợ thiết bị, dụng cụ đi rừng cho nhóm bảo tồn, xây dựng chốt bảo vệ rừng, lắp đặt biển cảnh báo bảo vệ rừng và động vật hoang dã, xây dựng mô hình rừng cộng đồng, tổ chức tuần tra, truy quét hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã… Đặc biệt, nhóm tiên phong bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây với số lượng 19 thành viên dựa trên nòng cốt của Nhóm tuần tra thôn bản đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, quần thể chà vá chân xám được bảo vệ, số lượng tăng từ 20 cá thể (năm 2018) lên 69 cá thể (năm 2022); diện tích rừng tự nhiên vẫn giữ được 30 ha; không còn săn bắt chà vá và động vật hoang dã trong khu rừng này.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Tổ chức FFI tại Việt Nam và Trung tâm GreenViet đều cam kết sẵn sàng bàn bạc, hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi hoàn thiện hồ sơ và tiến trình thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các nguồn gien quý, hiếm tại địa phương. Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet cho biết, sẽ hỗ trợ điều tra đánh giá giá trị đa dạng sinh học, đồng thời phối hợp các tổ chức khác huy động thêm nguồn lực tài chính để hỗ trợ Quảng Ngãi thành lập và vận hành Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ, nhất là việc tuần tra giám sát, bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức, hỗ trợ sinh kế cộng đồng”.