BVR&MT – Ngày 20/5, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học, với chủ đề: “Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống”.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Theo Báo cáo đánh giá, đa dạng sinh học ở Việt Nam thuộc khuôn khổ sáng kiến BIODEV2030, ở nước ta đã ghi nhận hơn 50.000 loài, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển.
Một số lượng không nhỏ trong số các loài động, thực vật kể trên, đặc biệt là nhóm các loài thực vật, đã được người dân Việt Nam sử dụng trong chăm sóc sức khỏe. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, tính đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận 5.117 loài/thứ thực vật bậc cao có mạch, một số taxon nấm và tảo được dùng làm thuốc. Con số này sẽ còn tăng lên nếu tiếp tục điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu trên cả nước.
PGS, TS Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu) cho biết: trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc (cây dược liệu) của ngành Y tế và đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn hơn 1.500 nguồn gene của gần 900 loài cây thuốc.
Viện Dược liệu hiện có 5 vườn bảo tồn cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau: Vườn cây thuốc Hà Nội đại diện vùng đồng bằng sông Hồng, Vườn cây thuốc Tam Đảo đại diện vùng trung du miền núi phía bắc, Vườn cây thuốc Sa Pa đại diện vùng núi cao phía bắc, Vườn cây thuốc Thanh Hóa đại diện vùng Bắc Trung Bộ và Vườn cây thuốc Thuận Kiều, TP Hồ Chí Minh đại diện vùng Đông Nam Bộ.
Sự đa dạng sinh học về cây thuốc luôn có mối tương quan chặt chẽ với sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc và tri thức y dược học của mỗi quốc gia. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có tập quán, tín ngưỡng và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau. Viện Dược liệu đã và đang điều tra, thu thập tri thức truyền thống và kiến thức bản địa trong sử dụng các loại cây thuốc/bài thuốc.
Kết quả này góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại sự kiện, Viện Dược liệu đã thông qua 22 hành động vì đa dạng sinh học, với mục đích tiếp tục xây dựng, tạo động lực và hỗ trợ trong khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu. Đồng thời, Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu đã tổ chức giới thiệu nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động tham quan và trải nghiệm đến các đại biểu tham dự hội nghị tại Bảo tàng Dược liệu Việt Nam.
Hoạt động này sẽ cung cấp, bổ sung kiến thức và thông tin về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về sự đa dạng cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.