BVR&MT – “Gái biết dệt vải, trai biết đan chài” là tiêu chuẩn cộng đồng của người dân tộc Thái từ xa xưa. Những sản phẩm dệt thổ cẩm rực rỡ của người Thái đã tạo dấu ấn văn hóa khó quên cho mảnh đất Mai Châu, Hòa Bình. Ngày nay, du khách đến với Mai Châu không chỉ bởi sức hấp dẫn của một miền quê sơn cước đẹp như thơ mà còn bởi các sản phẩm thổ cẩm trang trí đa dạng mang đặc trưng riêng của người Thái, là kết tinh từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây.
Trong những năm gần đây, Mai Châu được xem là một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Hòa Bình bởi sự kết hợp hài hòa giữa sơn thủy hữu tình, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Nét văn hóa của Mai Châu giao thoa giữa các dân tộc Thái, Mường, Mông. Trong đó văn hóa dân tộc Thái là nổi bật nhất bởi cộng đồng dân tộc Thái sinh sống phần lớn nơi đây. Những nét truyền thống văn hóa Thái được thể hiện rõ rệt ở kiến trúc nhà sàn, phương ngữ Thái cũng như được thể hiện rõ ràng trong nghệ thuật như những điệu múa xòe, nhảy sạp, đặc biệt là thổ cẩm dân tộc Thái.
Trong tín ngưỡng văn hóa của đồng bào Thái, sản phẩm thổ cẩm truyền thống được dệt thủ công không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống, trong các nghi lễ mà còn mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Họa tiết thổ cẩm được coi là linh hồn của văn hóa miền núi, hình tượng hóa cuộc sống bình dị hàng ngày. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên đất trời, thổ cẩm Thái pha trộn rất nhiều màu sắc phong phú, sống động. Màu trắng của gạo, màu xanh của cây, màu lam của trời và muôn vàn sắc màu của hoa trái, dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, họ dệt từng sợi chỉ thành một tấm hoa văn lớn. Với gam màu chủ đạo tươi sáng, rực rỡ, đường nét hoa văn đa dạng làm từ nguyên liệu tự nhiên, thổ cẩm được dùng trong may mặc hàng ngày, tạo nên những bộ trang phục dân tộc giàu bản sắc, ngoài ra còn được dùng làm vỏ gối, chăn, đệm và các vật dụng trang trí trong nhà hoặc sử dụng làm lễ vật cúng thần trong lễ Xên bản, xên mường…
Trong văn hóa dân tộc Thái, hình ảnh người phụ nữ gắn liền với nghề dệt thổ cẩm. Các bé gái bắt đầu những buổi học dệt cơ bản về dệt thổ cẩm từ mẹ và bà từ tấm bé. “Gái biết dệt, trai biết mồi câu”, đó là câu nói của người bản địa về nghề dệt. Sau khi thành thục tất cả các kĩ năng và dệt được tấm vải của riêng mình, người con gái ấy mới được coi là người lớn. Dệt thổ cẩm là biểu tượng cho đức hạnh của người phụ nữ, bởi tính thẩm mỹ cao thể hiện trong từng màu sắc, sự tỉ mỉ trong từng sợi chỉ, và niềm đam mê tỏa sáng qua từng hoa văn mà họ dệt nên.
Một trong những “cái nôi” của thổ cẩm dân tộc Thái phải kể đến đầu tiên chính là Bản Lác, một địa điểm quen thuộc của mọi du khách khi nhắc tới Mai Châu. Nằm nép mình trong một thung lũng xanh với những cánh đồng bát ngát cùng hương khói lam chiều, Bản Lác hiện lên như một nàng tiên giữa núi rừng. Yên bình, nhẹ nhàng và mang đậm màu sắc văn hóa Thái, nơi đây đã trở thành điểm đến khiến mọi du khách phải xao xuyến khi kết hợp với những trải nghiệm về nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, không chỉ ở Bản Lác, hiện nay các bản như: bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch) cũng đã đẩy mạnh du lịch kết hợp với quảng bá sản phẩm địa phương.
Gặp gỡ nghệ nhân Hà Thị Thư (ở Xóm Pạnh, xã Bao La) nay năm đã 73 tuổi nhưng đôi tay của bà vẫn rất uyển chuyển, thoăn thoắt trong mọi khâu dệt vải. Gắn bó với nghề dệt từ thời thiếu nữ, và cũng như bao người mẹ khác, bà vẫn kiên trì gìn giữ và truyền nghề cho thế hệ sau. Bà chia sẻ rằng, đối với phụ nữ Thái, khung cửi là nơi họ thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến gia đình. Từ quần áo đến chăn ga gối đệm trong nhà đều được dệt bằng đôi tay và sự cần mẫn của họ.
Trước khi dệt thổ cẩm được phát triển như một “đặc sản du lịch” của Mai Châu, thì người dân trong các bản chủ yếu sinh sống bằng việc canh tác nông nghiệp trồng lúa nước. Từ nhiều năm qua, người dân nơi đây đã biết phát huy lợi thế thiên nhiên trao tặng để phát triển du lịch cộng đồng với hàng trăm homestay thiết kế theo phong cách nhà sàn truyền thống, kết hợp với tiện nghi hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách du lịch. Dù du lịch phát triển nhưng người dân trong bản vẫn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Huyện Mai Châu hiện có 07 điểm du lịch cộng đồng gồm: Bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch), bản Pà Cò (xã Pà Cò) và bản Hang Kia (xã Hang Kia), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Avana Resort, Mai Chau Lodge, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan village Resort, Mai Chau Hideaway Resort… đã góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, thu hút đối tượng khách du lịch có mức chi trả cao, tăng doanh thu. Theo Chị Hoa – quản lý khu Avana Resort cho biết: “90% nhân viên trong khu nghỉ dưỡng là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng kết hợp với người dân trồng rừng, bảo vệ môi trường bằng cách cấm sử dụng 100% rác thải nhựa, sửa dụng túi rác bằng bột ngô của người dân làm ra,… Bên cạnh đó, chúng tôi có Tour giới thiệu Bảo tàng nhà sàn – Một ngôi nhà sàn truyền thống hơn 50 năm tuổi của người Thái được chuyển đổi thành bảo tàng – nơi lưu giữ các vật dụng sinh hoạt thường ngày, xưa và nay, của ba dân tộc sinh sống quanh Avana Retreat, giúp bạn tìm hiểu thêm về tín ngưỡng, văn hóa, và cuộc sống đầy màu sắc của các dân tộc thiểu số ở Mai Châu. Và tất nhiên có nghệ nhân trong nghề dệt thổ cẩm thực hành cho du khách xem, hầu hết các sản phẩm trong khu nghỉ đều là các sản phẩm dệt tay truyền thống của người dân”.
Anh Đình Giang – một du khách nghỉ dưỡng tại bản Hịch (xã Mai Hịch) cho biết: “Tôi được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân, được xem họ thêu dệt, trồng cây, đan lát,…rất thú vị. Nó giúp tôi hiểu biết thêm rất nhiều về những nét văn hóa của đồng bào nơi đây”.
Đẩy mạnh kết hợp phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp du lịch sinh thái sẽ tạo ra sự bứt phá lớn cho phát triển kinh tế. Khi nhu cầu con người tìm về với thiên nhiên, hòa mình vào nhịp sống của người dân bản địa sẽ là lúc chúng ta quảng bá về các sản phẩm, nét văn hóa riêng. Và khi tiếng thoi đưa dệt lụa hàng ngày vẫn vang lên để cho ra đời những sản phẩm dệt thủ công nhiều màu sắc. Đó không chỉ là tinh hoa của nghề Việt mà còn là hơi thở cuộc sống của vùng cao Mai Châu, Hòa Bình.
Hà Linh