BVR&MT – Theo báo cáo của chuyên gia, trong giai đoạn 2010–2020, chà vá chân xám bị tịch thu bắt giữ khoảng 86 cá thể.
Từ ngày 20 đến 22/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) – Chương trình tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cho công tác bảo tồn chà vá chân xám giai đoạn 2022 – 2030” nhằm góp phần bảo tồn loài Chà vá chân xám tại 6 tỉnh miền trung và Tây Nguyên của Việt Nam.
Chương trình hội thảo diễn ra trong 3 ngày. Các tham luận trong ngày đầu tiên nhằm cập nhật, đánh giá về hiện trạng số lượng, phân bố, mối đe dọa và một số tập tính của loài chà vá chân xám tại Việt Nam. Nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và của cộng đồng trong bảo tồn loài chà vá chân xám.
Đánh giá tiến độ thực hiện Quyết định 628/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Tổ chức thực địa tham quan mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng để bảo vệ loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Hai ngày còn lại của Hội thảo tập trung vào việc xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn loài chà vá chân xám và xác định các hành động ưu tiên trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050.
Tham gia Hội thảo có 65 đại biểu gồm đại diện của Vụ quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, Chi cục Kiểm lâm vùng IV; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và chủ rừng ở 6 tỉnh có phân bố loài chà vá chân xám gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên; đại diện các tổ chức phi chính phủ, chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.
Chà vá chân xám được nhà linh trưởng học Tilo Nadler mô tả lần đầu tiên vào năm 1997, có tên khoa học là Pygathrix cinerea, là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Quần thể loài này ngoài tự nhiên theo ước tính có khoảng 2.200 – 2.520 cá thể. Một số quần thể có kích thước lớn như quần thể tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai với khoảng 850 cá thể; quần thể tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với hơn 500 cá thể.
Chà vá chân xám thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Loài này thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Sách Đỏ IUCN (2020). Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn và phát triển bền vững loài chà vá chân xám, nhằm bảo tồn nguồn gen quý, hiếm. Trong đó, nổi bật nhất là Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Mối đe dọa chính đến chà vá chân xám gồm mất rừng, suy thoái rừng, chia cắt sinh cảnh, bị cô lập, săn bắn, bẫy bắt làm thức ăn, nuôi làm cảnh, nấu cao, ngâm rượu dẫn đến số lượng quần thể ngoài tự nhiên bị suy giảm. Theo báo cáo của chuyên gia, trong giai đoạn 2010–2020, chà vá chân xám bị tịch thu bắt giữ khoảng 86 cá thể.
Bên cạnh đó, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học chưa đồng bộ giữa các tỉnh, cũng như quy hoạch rừng đặc dụng chưa đồng bộ với các quy hoạch khác đang là những thách thức đối với sự tồn tại và phát triển của loài. Vì vậy, các nhà khoa học xác định ưu tiên quan trọng nhất là cần bảo tồn nguyên vị các quần thể Chà vá chân xám sống trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên tốt hơn.
Hiện nay, thông tin về loài Chà vá chân xám vẫn chưa đầy đủ, trong khi tiến độ thực hiện các mục tiêu trong Quyết đinh 628/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang ở mức trung bình và thấp. Thậm chí, mục tiêu xây dựng các hướng dẫn về du lịch sinh thái có trách nhiệm với các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vẫn chưa được thực hiện.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc cần có những hướng dẫn bảo tồn cụ thể cho các tỉnh có sự hiện diện của loài chà vá chân xám, ban tổ chức hội thảo đã mời các chuyên gia bảo tồn cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp cùng xây dựng một hướng dẫn kỹ thuật mang tính khả thi, hiệu quả và áp dụng dễ dàng hơn Quyết định 628 vào thực tiễn nhằm bảo tồn tốt hơn loài chà vá chân xám trong giai đoạn 2022 -2030, tầm nhìn 2050.