BVR&MT – Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ cần sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan đoàn thể, khu vực tư nhân, cộng đồng. Mỗi cá nhân đều cần có trách nhiệm đối với việc xây dựng một môi trường trong lành, bền vững và có trách nhiệm nhằm bảo vệ mọi sự sống trên Trái đất.
Bảo tồn rùa biển dựa vào cộng đồng
Rùa biển là loài động vật quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm bảo vệ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, chúng chỉ còn được tìm thấy tại một số vùng biển như Quảng Ninh, Quảng Trị, các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đến Phú Yên, Ninh Thuận,… với số lượng rất ít, chỉ còn Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi có lượng rùa biển về sinh đẻ hàng năm nhiều nhất nước ta (khoảng từ 300 – 400 cá thể rùa mẹ/năm).
Các loài rùa biển đều được đưa vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và đưa vào Công ước về các loài di cư (Công ước CMS); Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Công ước CITES). Các hoạt động nghiên cứu bảo tồn rùa biển đã được thực hiện trong những năm qua tại Vườn quốc gia Côn Đảo như đeo thẻ cho rùa mẹ để ghi nhận các thông tin số lần đẻ trong mùa sinh sản, chu kỳ đẻ trứng của rùa mẹ, địa điểm di cư của rùa mẹ; cứu hộ trứng rùa biển; đeo máy theo dõi qua vệ tinh; nghiên cứu ảnh hưởng nhiệt độ trong tổ trứng đến giới tính của rùa con; triển khai chương trình nghiên cứu sự tác động của biến đổi bờ biển đến sự sinh sản của rùa biển và nghiên cứu cấu trúc ADN của quần thể rùa biển tại Côn Đảo.
Thạc sỹ Lê Xuân Đà, Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, thời gian qua, Vườn đã đạt được một số kết quả như: Xác định được vùng tìm kiếm ăn của quần thể Rùa xanh (Chelonia mydas) bằng phương pháp gắn thẻ Iconel và máy định vị vệ tinh. Theo đó, vùng tìm thức ăn của Rùa xanh Côn Đảo thường là các vùng biển xung quanh đảo Phú Quý, đảo Trường Sa của Việt Nam; vùng biển đảo Palawan của Philippines; vùng biển Sihanoukvillele của Campuchia; vùng biển phía Đông của bang Pahang thuộc bán đảo Malaysia và vùng biển quanh đảo Natuna, phía Đông thuộc tỉnh Riau của Indonesia.
Trong nhiều năm qua, bảo tồn rùa biển đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và được sự ủng hộ, chung tay góp sức của người dân, cũng như chính quyền các cấp tại Côn Đảo. Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rùa biển đã và đang được quan tâm, chú trọng ở Côn Đảo.
Nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn rùa biển, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Côn Đảo, được thực hiện bằng nhiều phương pháp và hình thức tuyên truyền đa dạng. Cụ thể là: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng phim tài liệu, phóng sự, video clip, bảng tuyên truyền, pano, áp phích về bảo vệ rùa biển và ký cam kết bảo vệ rùa biển tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện; biên soạn các tài liệu giáo dục về bảo tồn rùa biển và phổ biến các tài liệu này trong các cấp tiểu học, trung học cơ sở và khách du lịch, cộng đồng cư dân trên đảo.
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn, cứu hộ rùa biển, nghiên cứu các đặc tính sinh học và mô hình, phương pháp bảo tồn rùa biển hiệu quả, là nơi chia sẻ các mô hình và phương pháp bảo tồn rùa biển cho các đơn vị bảo tồn rùa biển trên toàn quốc. Các kết quả nghiên cứu về bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo tồn rùa biển không những tại Côn Đảo, mà còn có giá trị trong cả nước, đóng góp rất quan trọng trong chiến lược hành động đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Ông Jake Brunner, Trưởng đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây, đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã nói riêng của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc ưu tiên phát triển kinh tế phải đối mặt với mâu thuẫn về lợi ích giữa đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nông sản. Hệ quả là việc chuyển đổi ồ ạt, diễn ra trên quy mô lớn, thiếu kiểm soát các hệ sinh thái tự nhiên thành ruộng đồng, ao tôm, đồn điền cao su… dẫn đến môi trường bị tàn phá mà không hề được bồi hoàn. Ô nhiễm công nghiệp đã trở thành nhân tố chính phá hủy đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ngọt. Ngoài ra, yếu tố văn hóa đã góp phần gia tăng việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp như sừng tê giác, cao hổ cốt… Mặc dù đã có hàng loạt chiến dịch nâng cao nhận thức đã được triển khai với nguồn tài trợ quốc tế, song vẫn chưa có sự thay đổi rõ ràng nào trong tâm lý tiêu dùng này.
Ông Jake Brunner cho rằng, ba yếu tố này hội tụ cùng với thực trạng thu hẹp quần thể loài trong tự nhiên đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng, thậm chí một số đã tuyệt chủng, như kết cục với tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) được bố cáo vào tháng 10/2011. Do đó, vấn đề mấu chốt là phải gắn công tác bảo vệ loài với việc bảo vệ sinh cảnh của chúng, cả trong và ngoài khu bảo tồn. Công tác quản lý khu bảo tồn của Việt Nam bị hạn chế do thiếu một cơ quan điều phối chung, có đủ thẩm quyền, năng lực để hỗ trợ, can thiệp ngay khi cần thiết. Việt Nam cần có một hệ thống khu bảo tồn quốc gia có khả năng thực thi và trách nhiệm trong bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến một thực tế là Việt Nam đang có một số lượng lớn động vật hoang dã được nuôi nhốt trong các sở thú, trang trại thương mại và các trung tâm nhân giống bảo tồn… cần được tái thả về môi trường sống của chúng.
Trưởng đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam nhận định, bên cạnh những thách thức, công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã ở Việt Nam đang ngày càng nhận được sự quan tâm của chính phủ và sự đóng góp của các tổ chức ngoài nhà nước. Việt Nam cần tăng cường hơn nữa những hỗ trợ về chính sách và tài chính từ phía Chính phủ cho các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, hợp tác xuyên biên giới; thành lập một cơ quan chuyên trách có đầy đủ thẩm quyền, năng lực và quyền lợi để giám sát hoạt động quản lý tất cả các khu bảo tồn ở Việt Nam cũng như giúp củng cố chính sách và kiểm soát tài chính trong các khu bảo tồn.
Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt là các loài hoang dã nguy cấp là một trong những nội dung trọng tâm. Chiến lược cũng đề ra mục tiêu là cần phải bảo tồn hiệu quả các loại hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm với những chỉ số rất cụ thể như: Đến năm 2030 phải cải thiện được tình hình của tối thiểu là 10 loài đang bị đe dọa; không có thêm các loài nguy cấp nào bị tuyệt chủng… Chiến lược cũng đề ra các nội dung chủ yếu để thực hiện, thúc đẩy công tác bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp như điều tra, đánh giá và liên tục cập nhật, công bố danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm để có biện pháp bảo tồn.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đã thực hiện nhiều cam kết liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã như: Công ước đa dạng sinh học; Công ước buôn bán quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước Ramsar để bảo vệ các loài, các khu vực đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng đối với các loài chim nước; nhiều thỏa thuận hợp tác đa phương và song phương liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã cũng như bảo vệ đa dạng sinh học.