BVR&MT – Trung Quốc chuẩn bị tổ chức một hội nghị đa dạng sinh học quan trọng vào năm 2020. Sự kiện này không chỉ lớn nhất trong thập kỷ xét về mặt quy mô mà còn là vấn đề quan trọng với cả Trung Quốc và thế giới.
Trung Quốc gắn với “nền văn minh sinh thái” không mấy được quan tâm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Một số nước đang theo đuổi các chiến lược phát triển – được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ từ Trung Quốc – cũng có vấn đề về môi trường. Do đó, các cuộc đàm phán đa dạng sinh học mang tính bước ngoặt do Trung Quốc tổ chức sẽ là một thử nghiệm quan trọng của sáng kiến này, nhất là khi đa dạng sinh học đang bị đe dọa ở khu vực Hindu Kush Himalaya, nơi Trung Quốc là một tác nhân quan trọng.
Các mô hình trước đây, đặc biệt là những thứ như “công viên hổ” gây nguy hiểm cho các loài mà chúng có nghĩa vụ bảo tồn.
Năm 2020, các đại biểu từ gần 200 quốc gia sẽ gặp nhau tại thủ phủ của tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc để thống nhất một khung mới nhằm ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái. Các cuộc đàm phán sẽ rất thiết yếu để khôi phục lại sức khỏe hành tinh.
Theo WWF, 60% quần thể động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư đã suy giảm trong 40 năm qua. Một nghiên cứu gần đây đã xem xét bằng chứng về đa dạng sinh học cho thấy 40% côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng trong những thập kỷ tới do mất sinh cảnh, thâm canh nông nghiệp, sử dụng thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi ngư nghiệp là nguồn thực phẩm chính, sẽ không còn quần thể cá có thể khai thác vào năm 2048 nếu những cách thức đánh bắt hiện tại tiếp diễn.
Năm 2010, các quốc gia tham gia Công ước Đa dạng sinh học đã phê duyệt Kế hoạch chiến lược 2011-2020 về đa dạng sinh học. Các cuộc đàm phán được tổ chức tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, vì thế 20 mục tiêu bao trùm của kế hoạch nhằm chấm dứt mất mát đa dạng sinh học và khôi phục hệ sinh thái được gọi là Mục tiêu Aichi.
Không chắc là những mục tiêu này sẽ được đáp ứng vào năm 2020, vì vậy, các cuộc đàm phán ở Côn Minh phải tìm ra một hướng đi mới.
Mục tiêu Aichi tiến triển chậm
Một đánh giá gần đây của Liên hợp quốc cho thấy 77% các mục tiêu đa dạng sinh học quốc gia thấp hơn so với các mục tiêu đặt ra tại Aichi. 2/3 các quốc gia thừa nhận rằng tiến trình của họ quá chậm để đáp ứng các mục tiêu năm 2020.
Ví dụ, mục tiêu Aichi thứ 11 kêu gọi ít nhất 17% diện tích nước nội địa và nước thuộc vùng lãnh thổ, 10% các vùng biển và duyên hải sẽ được bảo vệ vào năm 2020. Nhưng các nước vẫn còn một chặng đường dài để đạt được điều này.
Theo cựu Tổng thư ký CITES John E Scanlon, chỉ có mục tiêu thứ 11 mới có thể được đáp ứng một cách thực tế, “nhưng nhiều khu vực trong số này không được tài trợ hay quản lý tốt, thường được gọi là “công viên trên giấy””. Ông cũng không rõ “từ góc nhìn sinh thái thì các khu bảo tồn đều ở đúng chỗ hay không”.
Thomas Lovejoy, Giáo sư Khoa Chính sách và Khoa học Môi trường thuộc Đại học George Mason cho biết gần đây rằng các cuộc đàm phán năm tới có tầm quan trọng lịch sử. “Chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng [có thể] cứu môi trường và nhân loại… Nếu chúng ta không nỗ lực, nhân loại trong tương lai sẽ phải đối mặt với sự hỗn loạn không thể tưởng tượng được”.
Vai trò của Trung Quốc
Về phần mình, Trung Quốc đang cố gắng xóa bỏ phương pháp tiếp cận phát triển mang tính tàn phá “ô nhiễm trước, làm sạch sau”. Hiện tại, nước này đang theo đuổi “văn minh sinh thái” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất lần đầu vào năm 2012.
Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng điều này vào năm 2020 nhưng thực sự làm như vậy sẽ đòi hỏi nhiều mục tiêu tham vọng hơn được đặt ra ở Côn Minh. Có một số dấu hiệu tích cực.
Vào tháng 2, Phó thủ tướng Hàn Chính nói rằng “Trung Quốc phải tích cực chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là quốc gia chủ nhà và đảm bảo cho… một hội nghị quan trọng mang tính bước ngoặt”.
Tháng 3/2018, các cải cách cấp bộ để bảo vệ môi trường tốt hơn đã chứng kiến sự thành lập của Bộ Tài nguyên và Bộ Sinh thái – Môi trường (MEE). Cục Bảo tồn Sinh thái và Thiên nhiên thuộc MEE chịu trách nhiệm về đa dạng sinh học của Trung Quốc.
Tỉnh Hân, Trưởng phòng bảo vệ đa dạng sinh học cho biết tại một hội thảo ở Bắc Kinh vào cuối năm 2018 rằng nhận thức của công chúng Trung Quốc đã thay đổi trong những năm gần đây nên MEE hiện chịu áp lực lớn hơn nhiều về cải thiện môi trường.
Những cải cách năm 2018 này cũng đặt nhiều loại hình khu bảo tồn thiên nhiên của Trung Quốc dưới một cơ quan quản lý duy nhất.
Từ tháng 6 đến tháng 12, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên đã kiểm tra hơn 10.000 vùng dự trữ tức khoảng 18% diện tích cả nước. Con số này lớn hơn mức 17% của Mục tiêu Aichi.
Các tỉnh cũng đã thiết lập “các lằn ranh đỏ sinh thái” để bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương vốn chiếm khoảng hơn 1/4 đất nước theo ước tính ban đầu.
Tiết Đạt Nguyên, Giáo sư thuộc Trung tâm Khoa học Đời sống và Môi trường, Đại học Dân tộc Trung ương cho biết “con số đó cho thấy Trung Quốc có thể đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng hơn về các khu dự trữ” và rằng Trung Quốc có thể bảo vệ ít nhất 25% diện tích nước nội địa và thuộc vùng lãnh thổ.
Tập trung vào khoa học
Tại hội nghị gần nhất của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học ở Ai Cập, EU đã kêu gọi “các mục tiêu đầy tham vọng, thực tế, có thể đo lường được và có thời hạn”.
Khối các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) yêu cầu nguồn tài chính lớn hơn trong khi Costa Rica kêu gọi 1% GDP toàn cầu được hướng vào bảo tồn. Trung Quốc nhấn mạnh đến “sự tham gia của cộng đồng khoa học”.
Những nỗ lực của Bộ Sinh thái – Môi trường nhằm thực hiện các mục tiêu Aichi bằng cách bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và thiết lập các lằn ranh đỏ sinh thái đều cần sự hỗ trợ lớn từ các thiết chế khoa học.
Liêu Quốc Tường, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm giám sát môi trường biển Trung Quốc cho biết MEE đang làm việc với các cơ quan trung ương như Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Tổng cục Lâm nghiệp để tạo ra một mạng lưới quan trắc sinh thái quốc gia.
“Các cuộc điều tra và giám sát tốt hơn có nghĩa là sự hiểu biết về đa dạng sinh học và tình trạng môi trường được cải thiện – điều cần thiết để thực hiện công ước tốt hơn”, nhà nghiên cứu Liêu Quốc Tường mong muốn các trường đại học và viện nghiên cứu cũng được tham gia.
Balakrishna Pisupati, Chủ tịch Diễn đàn Luật, Môi trường, Phát triển và Quản trị (FLEDGE) cho rằng các quyết định về các vấn đề như sinh học tổng hợp, bảo tồn loài và hành lang sinh cảnh sẽ cần nhiều hỗ trợ khoa học và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
“Trung Quốc và các quốc gia khác đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của khoa học tốt hơn và sự tham gia của nhiều nhà khoa học hơn vào việc ra quyết định tại hội nghị đa dạng sinh học của Liên hợp quốc chứ không chỉ dừng ở việc đưa ra khuyến nghị”.
Một điểm tương tự cũng đã được đưa ra trong một bài xã luận của Phó chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc Trương Á Bình và khoa học gia hàng đầu thuộc National Geographic Society Jonathan Baillie đăng trên Tạp chí Science năm 2018.
Bài viết lập luận rằng mục tiêu Aichi về bảo vệ các khu vực biển là không đủ để đảm bảo các mục tiêu khác được đáp ứng, chẳng hạn như ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa đã biết hoặc thúc đẩy bảo vệ các hệ sinh thái.
Nhóm chuyên gia đề nghị các chính phủ cam kết bảo vệ 30% diện tích cả đại dương và đất liền, tập trung vào các khu vực sản xuất và đa dạng sinh học, tăng lên mức 50% vào năm 2050.
“Điều này sẽ vô cùng thách thức nhưng khả thi”, Nhóm kết luận.
Nhật Anh (Theo Thethirdpole)