Bão Noru sẽ vào Biển Đông từ đêm 25/9, các địa phương chủ động ứng phó

BVR&MT – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 121,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 – 14 (134 – 166 km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo đường đi của bão Noru. Ảnh: nchmf.gov.vn

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25 km, đi vào Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 – 149 km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 – 25 km và có xu hướng mạnh lên. Đến 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Đà Nẵng – Bình Định khoảng 300 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 – 14 (134 – 166 km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 – 25 km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 19 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 – 74 km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 – 9, sau tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 – 13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6 – 8 m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8 – 10 m; biển động dữ dội.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20 – 25 km/giờ, cường độ suy yếu dần.

Chiều 25/9, tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão Noru do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái nhận định bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Khoảng đêm 25/9 vào Biển Đông và từ chiều đến đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Các mô hình dự báo cho thấy bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4. Ngoài ra, 4 địa phương có thể ảnh hưởng gián tiếp là Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Kon Tum với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện số 855/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Chiều 25/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó khi bão Noru vào Biển Đông tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Trước những diễn biến phức tạp của bão Noru, chiều 25/9, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão tại thị xã Sông Cầu – vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước. Để chủ động ứng phó khi bão Noru đổ bộ vào đất liền, tỉnh Phú Yên đã duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã thông tin cho 4.107 phương tiện nghề cá với 24.600 lao động vào nơi tránh trú an toàn. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 26/9, tỉnh Phú Yên sẽ cấm tàu thuyền ra khơi.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 17 về việc chủ động ứng phó với bão Noru trên Biển Đông tới các địa phương, đơn vị trong tỉnh nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với bão. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có tổng số 6.513 phương tiện với 25.240 lao động; trong đó neo đậu tại bến 6.330 phương tiện/24.439 lao động; đang hoạt động trên biển 183 phương tiện/801 lao động.

Cụ thể tại vùng biển Thanh Hoá 154 phương tiện/568 lao động; Quảng Ninh 8 phương tiện với 65 lao động; Hải Phòng 47 phương tiện với 363 lao động; Nam Định 9 phương tiện với 65 lao động… Số phương tiện trên đã nắm được thông tin bão số 4 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương.

Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão Noru gây ra, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sĩ, phương tiện, thiết bị ra quân trên toàn tuyến biển để cùng với các địa phương ven biển triển khai nhanh và quyết liệt các biện pháp cấp bách, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và lên phương án di dời dân khi nước biển dâng cao.

Chiều 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ra Công điện khẩn tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lũ. Theo đó, các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn. Yêu cầu các chủ phương tiện có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ở khu neo đậu, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; hướng dẫn việc chằng, neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9.

Ngày 25/9, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động ngay các kịch bản ứng phó với bão Noru. Theo dự báo, Phú Yên nằm trong khu vực được cảnh báo có mức độ rủi ro do thiên tai ở cấp độ 3 nên mọi công tác chuẩn bị cần chu đáo để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Sáng 25/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức kiểm tra hiện trường công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru tại các địa phương ven biển.

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, có thể gây mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngành chức năng cùng các địa phương chủ động ứng phó với bão. Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 15 giờ ngày 25/9, đa số các tàu thuyền của ngư dân địa phương đã vào nơi neo đậu để tránh trú bão an toàn.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags: ,
CHIA SẺ