BVR&MT – Trong báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố mới đây đã cho thấy, bức tranh tổng thể về không khí ở Hà Nội rất đáng báo động, chỉ số AQI và nồng độ bụi PM 2,5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) đều vượt so với tiêu chuẩn quốc gia và thế giới.
Quá tải lượng phương tiện giao thông trong nội đô
Theo báo cáo chất lượng không khí thì Hà Nội có 123 ngày nồng độ bụi PM 2,5 vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam, tương đương với 35% số ngày của năm 2016.
Tuy nhiên theo tiêu chuẩn WHO thì Thủ đô có đến 282 ngày ô nhiễm, tương đương 70% ngày. Nếu đánh giá theo giờ, Hà Nội có hơn 3.000 giờ bụi PM 2,5 vượt tiêu chuẩn Việt Nam và gần 7.000 giờ vượt chuẩn thế giới. Do đó thực trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng không khí trong nội đô ngày càng xuống thấp đó là do tình trạng gia tăng một cách nhanh chóng các phương tiện giao thông trong thành phố.
Theo thống kê của Phòng CSGT thành phố Hà Nội thì trong năm 2015 tổng lượng xe đăng ký mới là 246.480 nhưng trong năm 2016 có tới 384.029. Nâng tổng số phương tiện giao thông đơn vị này quản lý tính đến cuối năm 2016 là 5.967.973 xe. Chưa kể đến số xe không đăng ký nhưng vẫn lưu hành, tham gia các hoạt động giao thông.Vì thế, lượng khí thải từ các phương tiện giao thông được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội “đang ở mức báo động đỏ” còn có nguồn gốc lớn xuất phát từ xe máy, ôtô đã cũ, hết hạn sử dụng. Những chiếc xe máy, ô tô này hàng ngày vẫn xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù, đã có Quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc thu hồi xe cũ nát, hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, việc thu hồi cũng còn có rất nhiều ý kiến trái chiều và chưa có phương án thích hợp.
Đại công trường xây dựng
Hiện nay các dự án xây dựng ngày càng phát triển mạnh, nhất là ở khu vực đô thị. Thủ đô Hà Nội cũng không phải ngoại lệ, thậm chí còn diễn ra với tần suất dày đặc và liên tục. Đơn cử các công trình lớn như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, các dự án nhà chung cư mọc lên dày đặc…
Trong quá trình thi công, đào lấp, đập dỡ công trình cũ, nguyên vật liệu bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển, đã thải một lượng bụi lớn vào môi trường. Chính yếu tố này đã góp phần làm ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng cao đến mức báo động, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của không ít người dân.
Ngày 17/10/2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người. Không chỉ vậy, đây cũng là tác nhân chính dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu, suy giảm tầng ozon, mất cân bằng sinh thái…
Đứng trước thực trạng đáng báo động trên đòi hỏi một sự vào cuộc gắt gao của các cơ quan chức năng, các ban ngành liên quan. Đồng thời, mỗi người dân nên có những biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.
Bài, ảnh: Đông Nghi.